Hát quan họ là luyện thiền

Gần 2 tiếng đồng hồ, tôi ngồi nghe bà Nguyễn Thị Hẹn (nghệ danh là Thanh Ngân, 77 tuổi) say sưa nói về quan họ cổ. Nhìn người phụ nữ nhỏ bé, gầy gò ấy, nghe bà kể, nghĩ đến những gì bà đã làm, tôi vô cùng ngưỡng mộ tâm huyết và công sức của bà đối với bộ môn nghệ thuật này.

Bà Nguyễn Thị Hẹn (nghệ danh Thanh Ngân)

Chơi quan họ

Sinh ra ở làm Châm Khê (còn gọi là làng Bùi, xã Phong Khê, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), một trong những làng quan họ nổi tiếng, từ nhỏ bà Hẹn đã thường xuyên tham gia các phong trào của làng. Lấy chồng rồi lập nghiệp ở đất Hải Phòng, nhưng năm nào bà cũng về hát ở hội Lim.

Từ những năm 80 bà đã bắt tay vào sưu tầm, nghiên cứu với quyết tâm bảo tồn và phục hồi quan họ cổ. Đặc biệt, năm 1997, bà được Viện Âm nhạc mời tới nghe và xác minh lời trong các băng quan họ được lưu trữ tại viện. Từ đó, bà được tiếp cận với nhiều tư liệu và đã tìm thấy giá trị đích thực của quan họ đó là cách chơi quan họ. Mà phải là quan họ cổ thì mới chơi được, vì từ ca từ, vần điệu, điển cố… đều rất sâu sắc, ý nhị.

Trong khi quan họ hiện đại ngày càng được cách tân, đưa nhạc vào, sửa ca từ…, nên đã mất đi bản sắc. Thế là từ đấy, bà đi khắp 49 làng quan họ, tìm gặp các nghệ nhân để tìm hiểu về các làn điệu cổ. Đến nay bà đã tìm được gần 200 làn điệu cơ bản và hơn 100 cách chơi quan họ.

Không chỉ nghiên cứu, sưu tầm, năm 1999 bà còn thành lập Trung tâm UNESCO văn hóa quan họ, từ đó xây dựng và trực tiếp dạy hát cho nhiều CLB quan họ, trong đó có CLB văn hóa quan họ Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội.

Bà rất vui khi kể về những chương trình giới thiệu lối chơi quan họ đã được tổ chức tại Viện Âm nhạc, được giới chuyên môn đánh giá cao. Và sắp tới sẽ có lịch sinh hoạt mỗi tháng 1 lần tại một làng để những người yêu quan họ được chơi, được mạn đàm về quan họ thực sự.

Hiện nay bà Hẹn đang tiến hành việc chuyển lời trong kinh Phật sang quan họ và đã làm được 30 bài.

Phải tìm cho mình cái gì đó để say mê

Suốt mấy chục năm nay, người phụ nữ ấy đã lặng lẽ làm một công việc cực kỳ có ý nghĩa, đó là tìm lại và phục hồi những giá trị truyền thống của quan họ cổ. Bà kể, một mình bà thì không thể làm được gì, phải có được sự giúp đỡ của những nghệ nhân đã tận tình chỉ bảo, những nhà nghiên cứu đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho bà có được các tư liệu và tổ chức các chương trình giới thiệu về quan họ, những người yêu quan họ, và nhất là của những người thân trong gia đình. Khi còn sống, chồng bà cũng đã rất tạo điều kiện giúp bà đi khắp nơi để sưu tầm, tìm hiểu.

Điều khiến bà vui nhất là đi đến đâu cũng được mọi người giúp đỡ, quý hóa. Lên Hà Nội thì đến ở nhà anh trai, về quê thì cũng ở nhà anh chị em, đi dạy ở đâu thì ở luôn tại đó. Bà vẫn nói, 20 năm nay làm được như ngày hôm nay là do dân nuôi. Đi khắp nơi, lúc thì đi xe khách, xe buýt, có khi lại đi nhờ xe tải, gặp xe gì đi xe đấy, có nhiều lúc còn phải đi bộ.

Với bà Hẹn, quan họ không chỉ là niềm say mê, mà còn đem lại cho bà sức khỏe, bởi hát quan họ chính là luyện thiền. Trông gầy gò, nhỏ bé như vậy nhưng suốt bao nhiêu năm nay bà không phải uống thuốc, không phải vào bệnh viện lần nào. Tất cả là nhờ quan họ.

Hát quan họ, mà phải là quan họ cổ là phải hát liên âm không được dừng lại, phải hát được vang, rền, nền, nẩy. Và khi đã hát như thế thì sẽ không có thứ gì chen được vào trong đầu óc mình nữa, cũng giống như khi ta ngồi thiền vậy.

Tôi nhớ mãi câu bà nói: Mỗi người phải tìm cho mình một cái gì đó để say mê. Có sự say mê, không chỉ cuộc đời có ý nghĩa, mà con người ta sẽ không thấy buồn chán, lúc nào cũng muốn đi, muốn làm việc.

Bảo Anh

Theo Đời sống
back to top