Hạt đậu phụng trôi vào phổi bé gái 13 tháng tuổi

Bé gái 13 tháng (Đồng Tháp) ho sặc sụa, khò khè và nhợn ói liên tục trong lúc đang ăn thỏi kẹo đậu phộng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé gái được chụp chiếu, chẩn đoán dị vật tắc chèn ngay ống phế quản phân nhánh các thùy phổi trái, gây ứ khí căng phồng phổi trái.

gap-noi-soi-dau-phong.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa thực hiện soi gắp hạt đậu phòng, giúp trẻ thông thoáng đường thở cho một bệnh nhi 13 tháng tuổi. 

Ngay lập tức, em được chuyển phòng mổ tiến hành soi gắp hạt đậu phòng, giúp trẻ thông thoáng đường thở.

Theo TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, để lâu hay đến viện trễ, nguy cơ tràn khí hoặc viêm phổi kéo dài, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.. là khó tránh khỏi.

Các bác sĩ khuyến cáo, đặc biệt nhà có con nhỏ, trong nhà không nên có bất cứ một vật gì có thể ngang tầm và kích thước vừa vào miệng trẻ, không chỉ riêng các loại đậu hạt mứt ngày Tết. Mọi đồ vật có thể cầm nắm được đều phải để ngoài tầm với của trẻ.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, dị vật đường thở ở trẻ vào những ngày Tết có thể là hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ, ngay cả kẹo mứt…

hat-dau-phong.jpg
Ngoài hạt đậu phộng, dị vật đường thở ở trẻ vào những ngày Tết có thể là hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ, ngay cả kẹo mứt…

Đặc biệt, trẻ vừa ăn vừa cười giỡn hoặc khóc càng dễ bị dị vật đường thở. Phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt này hoặc khi ăn phải lấy hết hạt ra.

Bên cạnh đó, ở lứa tuổi nhỏ, trẻ có thể bị các tai nạn thương tích trong nhà như điện giật do những chùm đèn trang trí trên chậu cây kiểng, nhang điện, đèn hào quang, nhấp nháy ở các bàn thờ, hấp dẫn trẻ đến tò mò, sờ mó.

Vào ngày Tết, các gia đình thường dùng khăn trải bàn để trang trí, trên đó để bình trà nóng hoặc phích nước sôi, các thức ăn nấu nóng hoặc hâm nóng. Trẻ táy máy kéo khăn bàn có thể làm rơi đổ, gây phỏng trẻ. Hơn thế nữa, phụ huynh ủi đồ ngày Tết quên tắt bàn ủi hoặc để ở nơi trẻ có thể sờ tới được, gây phỏng.

Vì vậy, dù bận rộn tới đâu, trong gia đình vẫn cần có người trông giữ trẻ để không cho trẻ “phá”, tránh các tai nạn như ngạt nước do ngã vào hòn non bộ, té cầu thang…

BSCKII Nguyễn Minh Tiến cảnh báo thêm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vào những ngày giáp tết đã từng tiếp nhận trường trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ngậm đũa muỗng trong lúc ăn. Trẻ chạy chơi bị té, chiếc đũa đâm vào thành sau họng gây xuất huyết sưng nề tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp. Thậm chí có ca bị chén sành vỡ cứa cổ làm đứt mạch máu lớn gây sốc mát máu.

Theo Đời sống
back to top