Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng thế giới và phát động triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/8.
Vắc xin đã cứu sống 6 người mỗi phút
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng vắc xin mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Ước tính Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những Chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ mắc và tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị |
Chương trình TCMR là Chương trình nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của Đảng, nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Đảng, Chính phủ đã ban hành các văn bản quan trọng thể hiện sự ưu tiên trong công tác tiêm chủng như: Nghị quyết số 20-NQ-TƯ của BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 104/NQ-CP của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030, Nghị định số 13/2024/NĐ-CP quy định rõ về đảm bảo ngân sách trung ương và địa phương cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, phải kể đến trước tiên là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng.
Tiếp đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát, đặc biệt thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học...có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: Quả thực, không quá lời khi nói rằng hầu hết, nếu không phải tất cả chúng ta ở đây, đều được hưởng lợi phần nào từ tiêm chủng. Rất có thể chính các vị đại biểu, hoặc con cái và người thân trong gia đình của các vị đã từng đi tiêm chủng và qua đó, được bảo vệ khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, những căn bệnh đã từng ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của nhiều thế hệ trước. Đây là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia tại Việt Nam.
Với sứ mệnh đảm bảo quyền về sức khỏe của mọi trẻ em đều được tôn trọng, bảo vệ và đáp ứng đầy đủ, tiêm chủng vẫn luôn là một trong những lĩnh vực hỗ trợ quan trọng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Từ năm 1980, UNICEF bắt đầu một mục tiêu đầy tham vọng: đảm bảo mọi trẻ em đều được tiêm chủng và được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.
“Ngày hôm nay, tôi tự hào chia sẻ rằng chúng ta đã đạt được những kết quả đáng kể hướng tới mục tiêu cao cả này. Chỉ trong vòng 50 năm vừa qua, vắc-xin đã góp phần cứu sống 154 triệu người, tương đương trung bình 6 người mỗi phút, trong số đó có rất nhiều trẻ em và trẻ nhỏ.”
Ở Việt Nam, nhờ vào những nỗ lực phối hợp giữa chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế, các đối tác phát triển, nhân viên y tế và cộng đồng người dân, chúng ta đã đạt được những thắng lợi to lớn trong việc phòng ngừa bệnh dịch bằng vắc xin, bao gồm thanh toán thủy đậu và bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi các các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định hướng tới loại trừ bệnh sởi, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn công tác tiêm chủng tại Việt Nam cũng như những thách thức trong việc cung ứng vắc-xin vào nửa cuối 2023, đã ảnh hưởng lớn tới mục tiêu loại trừ sởi của Việt Nam.
Trên thực tế, dịch sởi đang có xu hướng bùng phát trở lại trong những tháng gần đây. Dịch sởi lan rộng trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em khắp các vùng trên toàn quốc. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ và cấp bách cho thấy chúng ta cần phối hợp tăng cường hơn nữa nỗ lực và hành động vì tiêm chủng.
Đối với UNICEF, đảm bảo vắc xin cho mọi trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế để đảm bảo tiếp cận công bằng với các loại vắc xin hiện có, đưa vắc-xin tới với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất và giới thiệu các loại vắc xin mới vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng , bắt đầu với vắc xin Rota vào tháng tới.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, để duy trì thành công của chương trình TCMR trong 50 năm tới, chúng ta cần tiếp tục tăng và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia bị gián đoạn công tác tiêm chủng thường xuyên, ảnh hưởng đến mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em không được tiêm chủng từ năm 2021 do những gián đoạn liên quan đến đại dịch và tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc-xin gần đây. Điều này dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm mạnh chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua.
Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin đang gia tăng - bao gồm bệnh bạch hầu và ho gà, cùng với mối lo ngại về nguy cơ bùng phát bệnh sởi trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và cả nước.
Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết bởi chúng ta biết rõ giải pháp và những hành động có thể cùng nhau thực hiện để đẩy lùi nguy cơ.
Nêu cao trách nhiệm, hành động mạnh mẽ để mọi trẻ em được tiêm phòng
“Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới và Phát động triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, tôi xin được một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần có những hành động mạnh mẽ và nhanh chóng nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với các loại vắc xin thiết yếu, không chỉ những trẻ đến tuổi tiêm chủng, mà cả những trẻ đã bị lỡ liều trong những năm gần đây.
Hội nghị trực tuyến hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng - Ảnh Bộ Y tế cung cấp |
Việc đầu tiên và cũng rất quan trọng là cần đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời tất cả các loại vắc xin dành cho trẻ em và phân bổ một cách an toàn nguồn cung vắc-xin đến tất cả các tỉnh.” - Bà Silvia Danailov nói
Ngoài ra, chúng ta cần đảm bảo đủ nguồn lực và áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo để đảm bảo vắc xin đến được với mọi trẻ em, đặc biệt quá trình này cần được tích hợp tốt vào các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu . Chúng ta cũng cần phải tăng cường các nỗ lực truyền thông để đẩy mạnh nhu cầu của người dân đối với vắc xin mới cũng như củng cố niềm tin vào tiêm chủng thường xuyên nói chung.
UNICEF, cùng với WHO và các đối tác, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường thực hiện sứ mệnh này và tiếp tục tăng cường hệ thống tiêm chủng của Việt Nam trong các mảng cung ứng, dây chuyền lạnh, hệ thống thông tin kỹ thuật số, truyền thông thay đổi hành vi và triển khai tiêm chủng, bao gồm tiêm chủng ngoại trạm.
Chúng tôi khuyến khích các tỉnh coi chiến dịch tiêm vắc-xin sởi này là ưu tiên hàng đầu và triển khai các hoạt động đã lên kế hoạch càng sớm càng tốt, vì trẻ em sẽ trở lại trường học vào đầu tháng 9, điều này có thể khiến dịch bệnh bùng phát trầm trọng hơn.
Bộ Trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hôm nay Bộ Y tế rất phấn khởi nhận được quan tâm, tham dự của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/TP đối với Hội nghị hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng năm 2024 và phát động triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi.
Thông qua Hội nghị này, Bộ Y tế mong muốn mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch nhằm đảm bảo mỗi trẻ em đều được tiếp cận kịp thời với tiêm chủng phòng bệnh.
Tuần lễ tiêm chủng thế giới hàng năm là sáng kiến do WHO phát động nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, giúp họ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.
Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 diễn ra cùng với thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập Chương trình TCMR toàn cầu, đây là dịp để tôn vinh thành tựu của TCMR, nêu bật tác động của Chương trình TCMR trong cứu sống, bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường công tác tiêm chủng quan trọng này.
Tại Việt Nam, hiện nay có 11 bệnh truyền nhiễm gồm Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt, Viêm gan B, Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, Viêm não Nhật Bản B, rubella, Rota được triển khai trong TCMR.
Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Kết quả của TCMR đã góp phần quan trọng trong đạt thành quả Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, Loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những Chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất và nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của Đảng, nhà nước, Chính phủ Việt Nam, chính quyền các cấp. Chương trình này cung cấp vắc xin miễn phí và được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố.