Buông lỏng khai thác
Kết luận nêu rõ, UBND tỉnh Phú Thọ chưa kịp thời trình Thủ tướng và chưa kịp thời ban hành một số văn bản quy định khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản ở từng giai đoạn; khu vực không đấu giá quyền khai thác và đặc biệt là văn bản hướng dẫn tính, thu phí bảo vệ môi trường dẫn đến các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong một thời gian dài.
Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2017, sản lượng khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường tại tỉnh Phú Thọ chiếm trên 21,5 triệu (tấn và m3) và giai đoạn 2009-2015 là 7,4 triệu (tấn và m3). Số lượng này phải thực hiện quy đổi từ quặng khoáng sản thành phẩm ra quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường nhưng UBND tỉnh Phú Thọ không thực hiện dẫn đến thất thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 được Sở Công Thương thẩm định, trình UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt nhưng nội dung quy hoạch lại không xác định khu vực điểm mỏ và loại khoáng sản cần thăm dò, khai thác, chế biến, vi phạm quy định của Chính phủ.
Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ công tác lập, phê duyệt quy hoạch, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền, UBND tỉnh Phú Thọ chưa ban hành quyết định phê duyệt, vi phạm Luật Khoáng sản 2010.
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34ha so với quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, vào các loại đất khác, vi phạm Luật Đất đai.
Kiểm tra 34 giấy chứng nhận đầu tư thì có 20 giấy chứng nhận không ghi đủ nội dung tại mục ưu đãi đầu tư. 24 giấy phép khai thác khoáng sản cấp phép chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức.
Năm 2012, địa phương này gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. 2 giấy phép này cấp cho Công ty TNHH khoáng sản Thành Phương khai thác, chế biến cao lanh tại huyện Tam Nông và Công ty TNHH khoáng sản và xây dựng HAT khai thác Sepentin tại huyện Thanh Sơn.
Trong khi đó, việc khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáp ứng quy định về đánh giá hàm lượng, trữ lượng khoáng sản. Thậm chí tỉnh còn cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần thi công Cơ giới Chiến Thắng dù không có phê duyệt đánh giá hàn lượng, trữ lượng khoáng sản.
Về công tác bảo vệ môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, tính đến hết năm 2017, tổng số tiền của 159 dự án phải nộp trên 33,7 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ đọng trên 12,7 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2016-2017 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 19 dự án do UBND tỉnh cấp phép đã hết thời hạn nhưng vẫn còn 16 dự án chưa được gia hạn nhưng vẫn tiếp tục khai thác.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều sai phạm về tài chính trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền hơn 24,1 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của 52 đơn vị nợ đọng với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng…
Khắc phục nghiêm túc
Với những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản theo kết luận thanh tra đã công bố.
Tỉnh phải tổ chức rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư còn nợ đọng; kiểm tra, rà soát, xử lý đối với diện tích hơn 333,3 ha đất đã thu hồi cho hoạt động khoáng sản vượt quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; rà soát và điều chỉnh lại nội dung 12/24 giấy phép khoáng sản đã cấp còn hiệu lực theo đúng quy định của Bộ tài nguyên và Môi trường; thực hiện đóng cửa mỏ đối với 16 điểm mỏ đã hết hạn quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ đặc biệt yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ kiểm tra, rà soát cấp quyền khai thác quặng sắt tại Khu vực xóm Chùa (Khá Cửu, Thanh Sơn) cho Công ty Cổ phần khoáng sản và luyện kinh Thăng Long với diện tích 6,2 ha.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục thuế tính toán sản lượng khai thác kê khai nộp phí bảo vệ môi trường giai đoạn 2009-2015 đối với số lượng gần 7,4 triệu (tấn và m3) phải thực hiện quy đổi từ số lượng quặng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, thu về ngân sách nhà nước theo quy định.
Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có vi phạm qua các thời kỳ….
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Phú Thọ núp bóng dưới danh nghĩa “chuồng trại chăn nuôi gà” hay "khu vực trồng cây dược liệu" để tận thu khoáng sản trái phép, làm thất thoát một lượng không nhỏ nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia cũng như ngân sách nhà nước.
Tình trạng khai thác khoáng sản, hạ cốt nền để “rút ruột” tài nguyên trái phép diễn ra rầm rộ từ tháng này qua tháng khác nhưng không được xử lý đã khiến hàng loạt khu đồi bị đào bới nham nhở, tan hoang. Đằng sau đó là cả câu chuyện dài về một loạt thủ thuật “phù phép” để bao che, thậm chí có nghi vấn “bảo kê” cho thế lực ngầm ngang nhiên dỡ đồi, khai thác khoáng sản.