Nhiều tuyến đường giao thông sẽ được thực hiện trong giai đoạn tới phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã trình HĐND thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, UBND Hà Nội sẽ xây dựng, trình HĐND phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đặc biệt là Hà Nội sẽ nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố. Xây dựng nền tảng về hạ tầng kinh tế xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận (Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín) giai đoạn 2025-2050 và những năm tiếp theo.
Trước đó, theo Kế hoạch số 202 về triển khai thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy khóa XVII về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" do UBND TP Hà Nội ban hành.
Thành phố giao các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng chủ trì, phối hợp cập nhật kết quả thực hiện của Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố về kết quả thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện.
UBND các huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng chủ trì đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc Đề án lên quận.
Theo kế hoạch, để triển khai Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về giao thông. Trong đó tập trung đầu tư, nâng cao tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực giao thông đô thị lên khoảng 12-15% diện tích đất đô thị.
Phát triển hạ tầng giao thông, các trục giao thông song hành kết nối đô thị trung tâm – đô thị vệ tinh. Phát triển hệ thống đường vành đai, đường hướng tâm, các cầu qua sông, các tuyến quốc lộ, các trục hướng tâm theo quy hoạch, các nút giao thông.
Tiếp tục dành nguồn lực hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai như: trục Tây Thăng Long, các tuyến Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, Vành đai 2 đoạn Mai Động – Ngã Tư Vọng, Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Giải Phóng, Vành đai 4,…
Triển khai đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng như: cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở, cầu Tứ Liên.
Phát triển các tuyến đường có tính kết nối nội vùng và liên vùng như cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 6,…
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, đưa vào vận hành 02 tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao (tuyến số 2A Cát Linh – Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội
Bên cạnh đó là khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo vào năm 2022; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt đô thị số 3.2 Trần Hưng Đạo – Hoàng Mai, tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Hoà Lạc.