Hàng không Việt Nam khó phục hồi trong thời gian dài

(khoahocdoisong.vn) - Hàng không Việt Nam phải tạm dừng hầu hết các chuyến bay trong tháng 4/2020. Lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế nhập cảnh trong thời gian dài. Điều này đã khiến ngành hàng không gần như phải ngừng hoạt động. Du lịch hàng không bị đình trệ khoảng 98-99% trên toàn cầu. Các đường bay quốc tế của Vietnam Airlines, Vietjet đều bị đóng. Trong khi kế hoạch mở đường bay mới của Bamboo Airways cũng phải tạm hoãn.

Theo Tổng cục Hàng không, tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 4/2020 là 2.207 chuyến, giảm 93% so với tháng trước và giảm 91,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Vietnam Airlines có 1.174 chuyến bay, giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái; VietJet Air có 737 chuyến bay, giảm 93,4%; Bamboo Airways có 238 chuyến bay, giảm 92%; Jetstar Pacific có 44 chuyến bay, giảm 98%; VASCO có 14 chuyến bay, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong quý 1 đầu năm 2020, các doanh nghiệp hàng không báo lỗ nặng. Cụ thể, Vietnam Airlines báo lỗ 2.600 tỷ đồng, Vietjet lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn FLC đang sở hữu hơn 52% vốn Bamboo Airways, cũng báo lỗ ròng quý I/2020 tới 1.892 tỷ đồng

Dự báo, quý 3/2020, kết quả kinh doanh của các hãng hàng không cũng có thể khó khả quan, thậm chí còn thấp hơn.

Theo ông Greg Waldron - Tạp chí Hàng không FlightGlobal - các hãng hàng không lớn, được Nhà nước hậu thuẫn còn có cơ hội tốt hơn để vượt qua đại dịch Covid-19. Ví dụ như các hãng hàng không Trung Quốc đã vượt qua được khủng hoảng khá tốt do có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Cho đến nay, không có sự thay đổi lớn về giá cổ phiếu của các hãng này.

Tuy nhiên, các hãng hàng không hạng hai ở một số quốc gia đang phát triển như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ không có sự hỗ trợ của chính phủ có thể gặp vấn đề về duy trì và tồn tại.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, đến năm 2024, ngành hàng không mới có khả năng phục hồi lại như mức năm 2019. Đó là một thời gian khá dài, các hãng hàng không nếu không có khả năng gây quỹ và tiền mặt thì sẽ lâm vào tình cảnh khốn đốn, thậm chí có nguy cơ phá sản, hoặc phải sáp nhập.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giá đốc Vietnam Airlines cho biết, riêng Vietnam Airlines với quy mô như hiện nay, sau dịch bệnh, kinh doanh tốt cũng phải mất 5 năm mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.

Theo Đời sống
back to top