<div> <p>Với 82,4% đại biểu muốn chất vấn, người đứng đầu Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là một trong những thành viên <span>Chính phủ</span> được trông đợi nhất trong 3 ngày chất vấn kỳ này. Con số 82,4% chỉ thấp hơn một chút so với người chiếm số lượng nhiều nhất là Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân với 85%, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.</p> <p>Là người thứ 2 đăng đàn, ông Trần Tuấn Anh sẽ trả lời về công tác quản lý, điều tiết điện lực, việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng...</p> <h3>Giải pháp căn cơ chặn các sản phẩm cài cắm đường lưỡi bò</h3> <p>Chia sẻ với <em>Zing.vn</em> bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm và muốn chất vấn các vấn đề kinh tế liên quan đến ngành công thương.</p> <p>Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên kỳ vọng Bộ trưởng Công Thương sẽ đưa ra được những giải pháp để Việt Nam thích ứng những biến động bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.<strongr></strongr></p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Hang hoa co duong luoi bo va loat van de cho Bo truong Tran Tuan Anh hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/19/bo_truong_bo_cong_thuong_tran_tuan_anh_3_zing.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: <em>Hải Quân.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Về công nghiệp, ông mong muốn nhận được câu trả lời về vấn đề thiếu điện và xây dựng đường dây truyền tải điện cho các dự án năng lượng trong thời gian tới.</p> <p>Nguy cơ thiếu điện và chậm xây dựng đường truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo cũng được đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) quan tâm. Bà mong muốn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề này nhanh chóng, nhất là khi nguy cơ thiếu có thể diễn ra trong vài năm tới.</p> <p>Quản lý hàng hóa trong nước, trong đó có việc gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, nhất là xuất hiện những sản phẩm có cài cắm đường lưỡi bò là điều mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ. Ông mong muốn nhận được giải pháp căn cơ của người đứng đầu Bộ Công Thương.</p> <p>Trước đó, <em>Zing.vn </em>ghi nhận một loạt sản phẩm có chứa bản đồ đường lưỡi bò, từ quả địa cầu, sách giáo khoa, đến xe hơi... </p> <h3>Thách thức lớn trong cung ứng điện</h3> <p>Trong báo cáo gửi tới Quốc hội trước chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công thương.</p> <p>Về công nghiệp điện, ông cho biết do sự phát triển nóng của các nhà máy điện mặt trời nên đã xảy ra quá tải trên lưới điện truyền tải, phân phối tại khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí gặp nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu cũng khiến các hồ thuỷ điện gặp khó để phát điện.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Hang hoa co duong luoi bo va loat van de cho Bo truong Tran Tuan Anh hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/24/14_zing.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Bộ trưởng Công Thương cho biết còn nhiều thách thức trong cung ứng đủ điện trong thời gian tới. Ảnh: <em>Huy Hải.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 20/3 thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn còn có một số ý kiến chưa đồng thuận của các khách hàng sử dụng điện.</p> <p>Ông cũng cho biết các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện.<strongr></strongr></p> <p>“Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án điện có thể vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW/21.650 MW, đạt gần 72%). Việc chậm tiến độ đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới”, ông nói.</p> <h3>Phụ thuộc một số thị trường nên dễ tổn thương</h3> <p>Về hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường, ngành hàng dẫn đến nguy cơ bị tổn thương khi bất ổn.</p> <p>Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công hàng xuất khẩu và phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho hàng hóa xuất khẩu gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng.</p> <p>Công tác đàm phán mở cửa thị trường hàng nông sản, thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và nền sản xuất trong nước. Chủ nghĩa bảo hộ và những biến động khó lường trên thị trường thương mại toàn cầu. Năng lực tham gia thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.</p> <h3>Mỗi năm nhập 2-3,5 tỷ linh kiện ôtô</h3> <p>Về thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng phần lớn doanh nghiệp còn chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu, chưa chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.</p> <p>Hệ sinh thái cho thương mại điện tử bao gồm dịch vụ thanh toán, logistics và các dịch vụ phụ trợ còn chưa hoàn thiện. Các cơ chế quản lý chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, nhất là các mô hình dựa trên công nghệ số. Sự tăng trưởng nóng của thị trường thương mại điện tử B2C dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, hàng giả ngày càng nhiều.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Hang hoa co duong luoi bo va loat van de cho Bo truong Tran Tuan Anh hinh anh 3 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/12/vln_0240_zing.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2-<abbr class="rate-usd">3,5 tỷ USD</abbr> các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ôtô mỗi năm. Ảnh: <em>Việt Linh.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Về công tác quản lý thị trường, phòng, chống gian lận thương mại, ông Trần Tuấn Anh cho biết tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hàng liên quan đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn xảy ra ở nhiều nơi nhất là khu vực đô thị...</p> <p>“Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”, ông nói.</p> <p>Về phát triển công nghiệp ôtô, người đứng đầu ngành công thương cho biết đối với ôtô con, tỷ lệ nội địa hóa lại rất thấp. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp như: Săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa…</p> <p>Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2-<abbr class="rate-usd">3,5 tỷ USD</abbr> các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ôtô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.</p> <p>Tỷ lệ nội địa hóa thấp làm ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn 10-20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.</p> <p>“Vì vậy, ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có năng lực cạnh tranh kém hơn, đặc biệt về giá thành, so với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN”, báo cáo nêu.</p> </div> <p> </p>