<div> <p>Sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN.</p> <p>Theo Bộ trưởng Tài chính <span>Đinh Tiến Dũng</span>, việc xây dựng văn bản pháp luật này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý, giảm giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan.</p> <p>Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa; tăng cường quản lý rủi ro trong các khâu nghiệp vụ hải quan; đảm bảo cụ thể, minh bạch.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Hang chuc tan ma tuy vao Viet Nam co phai do thu tuc hai quan de dai? hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/17/cn_ub_tu_phap_le_thi_nga(1).JPG" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp <span>Lê Thị Nga</span>. Ảnh:<em> Hoàng Hải.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn việc vừa qua chúng ta bắt được rất nhiều ma túy, lên tới hàng chục tấn. "Phải chăng thủ tục hải quan của chúng ta dễ hơn nước khác dẫn đến ma túy vào nước ta nhiều không", bà Nga đặt câu hỏi.</p> <p>Bà cũng nhắc chuyện vừa qua có tình trạng một số loại mặt hàng gọi là quá cảnh, hưởng các thủ tục quá cảnh nhưng lại tiêu thụ trong nội địa, ví dụ như xăng, dầu. Từ đó, nữ Chủ nhiệm Ủy ban hỏi việc áp dụng Nghị định này có ngăn chặn được việc lợi dụng thủ tục để hưởng thuế suất thấp không?</p> <p>"Trước hết, không nói là thủ tục hải quan dễ dãi", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. Ông nhấn mạnh thủ tục hải quan rất quan trọng. Kim ngạch xuất nhập khẩu vài năm gần đây đều gấp đôi GDP, nên nếu cửa hải quan bị thắt sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.</p> <p>Vì thế, Bộ trưởng Dũng khẳng định những năm qua cơ quan quản lý đã rất chú trọng, tập trung cải cách thủ tục hải quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy sản xuất và kinh tế trong nước.</p> <p>Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết đã nhiều lần kiến nghị về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vì đây đang là khâu rất tắc.</p> <p>Theo ông Dũng, hải quan chỉ là thực hiện, trong khi các quy định, thủ tục liên quan rất phức tạp và chúng ta đang từng bước cải thiện.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Hang chuc tan ma tuy vao Viet Nam co phai do thu tuc hai quan de dai? hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/17/201909170947013216_bo_truong_bo_tai_chinh_dinh_tien_dung_4_ok.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: <em>quochoi.vn.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Nhấn mạnh nhiệm vụ hiện đại hoá hải quan, điện tử hoá hải quan rất quan trọng, ông Dũng cho biết việc này đang được từng bước thực hiện, nhất là sau khi tiếp nhận dự án của Nhật Bản. Theo đó, đã đào tạo nhân lực, giám sát trực tiếp từng luồng đi của hàng hoá, hoạt động của từng cán bộ cấp dưới trong phạm vi làm việc.</p> <p>“Hiện đại hoá không thể không làm. Hiện đại hoá gắn với hậu kiểm, kiểm soát rủi ro, tăng cường soi chiếu… nên hải quan có thành tích lớn trong chống buôn lậu. Gần đây là vụ bắt 5 tạ ma tuý, và còn nhiều vụ khác”, ông Dũng nói.</p> <p>Theo Bộ trưởng Tài chính, ma tuý không phải chỉ đi qua cửa khẩu. Dù đã xác định Việt Nam là địa điểm trung chuyển ma túy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định ma tuý vào Việt Nam không chỉ qua đường này, mà cả đường hàng không, nội địa, hải quan…</p> <p>Vì thế, cần có sự phối hợp, đã hội nhập phải tạo điều kiện, tăng cường kiểm tra kiểm soát bằng nhiều khâu, nhiều biện pháp khác nhau.</p> <p>Ông Dũng cho biết việc thực hiện cần có thí điểm, có giai đoạn chạy thử, đi từng bước, từng khâu, nhưng nếu thực hiện được thì tính khả thi cao.</p> <p>Về vấn đề hàng hóa quá cảnh nhưng lại tiêu thụ trong nội địa, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận thực tế này. Ông cho biết hải quan đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến tình trạng này, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát chặt.</p> <p>"Vừa qua, Phó thủ tướng sau khi đi công tác Quảng Ninh có ý kiến là phải bỏ hàng tạm nhập tái xuất thuế cao như thuốc lá. Trước kia chúng tôi đã đề nghị bỏ, nhưng địa phương muốn làm để hưởng dịch vụ kèm theo. Hàng hoá vào trong nước rồi đi ra, kể cả tạm nhập tái xuất theo dõi được nhưng vẫn còn kẽ hở", ông Dũng nói và cho biết hải quan đã tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm.</p> <br /> </div> <p> </p>