Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) thực hiện bài kiểm tra phóng tên lửa (SLBM) từ tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho ngày 5/9, sau khi đã phóng thử nghiệm thành công từ một xà lan ngầm dưới nước trong tháng 8.
Tên lửa đạn đạo SLBM được cho là một biến thể của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B, có tầm bắn khoảng 500 km và sẽ được sản xuất hàng loạt để triển khai cho các đợt thử nghiệm khác - Yonhap cho biết.
Tàu ngầm mới được phát triển trong nước có lượng giãn nước 3.000 tấn, được trang bị sáu ống phóng thẳng đứng.
Sau vòng thử nghiệm bổ sung để xác định các tính năng kỹ chiến thuật theo yêu cầu thiết kế, SLBM sẽ được sản xuất hàng loạt để trang bị cho các chiến hạm. Với kết quả này, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới sở hữu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên đang nỗ lực trang bị cho Hải quân các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm SLBM. Bình Nhưỡng đã trưng bày 4 thiết bị tên lửa đạn đạo như vậy trong cuộc diễu hành quân sự với sự tham gia của chủ tịch Kim Jong Un tháng 1/2021. Truyền thông nhà nước KCNA gọi những tên lửa này là “vũ khí mạnh nhất thế giới”.
Tên lửa đạn đạo SLBM khó bị phát hiện hơn do được phóng từ tàu ngầm, có thể tấn công bất ngờ và thường được gọi là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”. Tên lửa mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là công cụ răn đe quan trọng của Hàn Quốc nhằm đối phó với lực lượng tên lửa của Triều Tiên.
Tháng 1, trong Đại hội Đảng Công nhân Triều Tiên, chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố đã hoàn thành kế hoạch chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Yonhap đưa tin: “Bất kỳ tàu ngầm nào như vậy cần có nhiều năm mới có thể đưa vào biên chế, nhưng các nhà phân tích cho rằng đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi chiến lược, cho phép Bình Nhưỡng thực hiện cuộc tấn công bất ngờ dưới ngầm, ngay cả khi lực lượng trên bộ đã bị tiêu diệt”.
Ông Kim đã kiểm tra một chiếc tàu ngầm mới, được đóng vào năm 2019. Những bức ảnh từ Truyền thông Triều Tiên cho thấy ông cùng các quan chức khác đứng cạnh một tàu ngầm khổng lồ.
Bộ Quốc phòng Seoul từ chối xác nhận chính thức về thông tin này.
Trong một thông cáo Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: "Quân đội của chúng ta phát triển các khí tài quân sự tiên tiến có sức mạnh cao để đảm bảo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, xây dựng tiềm lực quân sự mạnh mẽ và có kế hoạch tiếp tục phát triển vũ khí trang bị".
Ngày 6/9, trong một yêu cầu ngân sách đệ trình lên quốc hội, Seoul phân bổ gần 1,5 nghìn tỷ won (1,3 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng trong năm 2022.
Nếu được thông qua, đây sẽ là một bước đại nhảy vọt đến 76% trong ngân sách nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng, được sử dụng để “tích cực phát triển các công nghệ tiên tiến trong tương lai” - theo Yonhap.