Dòng họ ba đời là phò mã
Thân Công Tài xuất thân trong một dòng họ vốn là người dân tộc Tày, nhiều đời làm châu mục Lạng Châu, có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ vùng lãnh thổ biên giới phía Bắc, từng có liên tiếp ba thế hệ ông, cha, cháu được chọn làm phò mã.
Từ trưởng phò mã đầu tiên của nhà Lý là Giáp Thừa Quý, ở Động Giáp rồi đổi tên họ ra họ Thân. Trong chữ Hán, chữ Thân chỉ khác chữ Giáp là kéo dài thêm nét sổ lên phía trên, ý để phân biệt dòng quý tộc phò mã so với dòng bình dân. Từ đó ba đời liền họ Thân làm phò mã vua nhà Lý.
Thân Thừa Quý lấy công chúa con vua Lý Thái Tổ.
Con là Thân Thiệu Thái lấy công chúa Bình Dương của vua Lý Thái Tông năm Kỷ Tỵ 1029.
Con Thân Thiệu Thái là Thân Cảnh Phúc lấy công chúa Thiên Thành con vua Lý Thánh Tông năm Bính Ngọ 1066.
Cả ba phò mã trên đều giữ chức Châu mục Lạng Châu. Họ đều rất trung thành với nhà Lý và có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ vùng biên cương, chống lại mối đe dọa xâm lăng của nhà Tống.
Quê hương Thân Công Tài nằm trên đường thiên lý từ đất Tống sang Đại Việt tiến về Thăng Long. Vùng quê sớm được giao lưu tiếp xúc với các đoàn sứ bộ triều đình.
Năm 1620, khi Thân Công Tài cất tiếng khóc chào đời thì trong vùng đã có hàng chục vị trí thức nho học kế tiếp đăng khoa. Đặc biệt, họ Thân làng Yên Ninh có bốn cha con ông cháu đều thi đỗ Đại khoa rồi làm quan trong triều.
Người khai mở truyền thống quý báu đó là Thượng thư Thân Nhân Trung, 50 tuổi đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận 10 (1469) đời Lê Thánh Tông; Thân Nhân Tín, con của Thân Nhân Trung, anh Thân Nhân Vũ, cha Thân Cảnh Vân, 52 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê Thánh Tông;
Thân Cảnh Vân, con Thân Nhân Tín, cháu nội Thân Nhân Trung, 25 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời Lê Thánh Tông và Thân Duy Nhạc, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) đời Lê Uy Mục.
Làm quan với năm đời vua Lê
Cuộc đời và sự nghiệp của Thân Công Tài gắn liền với năm đời vua Lê Trung hưng. Đây là thời kỳ lịch sử đầy biến động vừa có cung vua phủ chúa. Sinh trưởng rồi làm quan trong bối cảnh ấy, Thân Công Tài đã đem tài năng, trí tuệ hết lòng phò vua giúp chúa khôi phục sự nghiệp Trung hưng đất nước.
Do có tài thao lược nên Thân Công Tài được giao trọng trách cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng xứ Kinh Bắc, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Mỗi lần dẹp yên giặc loạn là một lần ông được triều đình khen thưởng và thăng quan tiến chức. Năm Đinh Mùi (1667) khi 48 tuổi, Thân Công Tài được giao chức cai quản, kiêm Tri thị nội thư, tước Hán Quận công.
Chúa Trịnh luôn tin yêu và trọng dụng, nên đầu năm Nhâm Tý (1672), Thân Công Tài lại được thăng làm quan Đề đốc đạo Kinh Bắc (gồm 3 xứ: Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn), chức quan này như một vị tướng cai quản về mỗi lĩnh vực ở một vùng rộng lớn phía Đông Bắc tổ quốc, đồng thời ông được đặc trách kiêm giữ chức Trấn thủ Lạng Sơn.
Đầu năm Quý Hợi (1683), Thân Công Tài cùng Nguyễn Tông Quai từ Kinh đô lên ải Nam Quan nhận tù binh Mạc do nhà Thanh trao trả. Sau sự kiện ấy, Thân Công Tài về quê nghỉ ngơi rồi mất tại quê nhà. Sau khi ông mất, triều đình truy xét công trạng đã gia tặng Hán Quận công chức Đô đốc Đồng Tri.
Đương thời làm quan, Hán Quận công luôn thể hiện là vị quan mẫn tiệp, tận tụy vì việc dân nghiệp nước. Đất nước có loạn, thân Công Tài đã cầm quân ra tay trừ dẹp, đem lại sự bình yên cho xã tắc, nhân dân yên ổn làm ăn.
Là một vị quan được giao trọng trách trấn giữ biên ải phía Đông Bắc tổ quốc, với tài ổn định, đồng thời tạo dựng sự gắn bó đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, vận động giúp đỡ họ giữ vững bản làng và làm ăn phát triển kinh tế.
(còn nữa)