Khu rừng hóa thạch hiếm có ở bờ Kiso phía đông bắc Nagoya, Nhật Bản đang giúp các nhà khoa học tiến gần hơn tới việc tái tạo toàn bộ cây cối ở lục địa Á Âu từ cuối thế Trung Tân và điền vào một số khoảng trống trong lĩnh vực cây cối trong đời sống.
Khu rừng này được phát hiện vào năm 1994 trong một đợt hạn hán nghiêm trọng, khi 400 gốc cây hóa thạch nổi lên trên mặt nước. Mặc dù phần lớn gốc cây lại bị chìm trở lại, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc kiểm tra 137 gốc cây và lá hóa thạch gần đó.
Khác với hóa thạch động vật, việc tìm thấy hóa thạch thực vật hoàn chỉnh, bao gồm cả hạt, lá và quả, là rất hiếm.
Do đó, khi nhắc đến hóa thạch thực vật, các nhà khoa học thường phải đặt tên khoa học riêng cho từng bộ phận, ngay cả khi chúng thuộc cùng một loài. Việc xác định hóa thạch thân cây và hóa thạch lá thuộc loài nào là một thách thức lớn.
Khu rừng ở Nagoya cung cấp cơ hội nghiên cứu tuyệt vời bởi chỉ có một loại thân và lá cây phổ biến trong khu vực.
Trong số 137 gốc cây được nghiên cứu, có đến 130 gốc thuộc loài Wataria parvipora. "Wataria là hóa thạch gỗ, có thể được nhận dạng thông qua các vòng sinh trưởng đặc trưng, nhiều tia nhu mô và ít mạch nhựa", nhà sinh vật học Toshihiro Yamada, người đứng đầu nhóm nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Hokkaido, cho biết.
"Trong khu vực rộng 2.000 m2 chứa hóa thạch, loài cây Wataria parvipora chiếm 95% tàn tích, cho thấy rằng đây là một khu rừng do loài cây này thống trị".
Gốc cây hóa thạch lớn nhất có đường kính 137 cm. Đại đa số các lá xung quanh thuộc về loài hóa thạch lá Byttneriophyllum tiliifolium, thuộc họ cẩm quỳ và có liên quan đến các loài cây hiện đại như cây bông, cacao và okra. Hóa thạch lá này đã được tìm thấy trên khắp lục địa Á Âu từ thế Trung Tân đến thế Thượng Tân.
Yamada nói: "Chúng tôi đã tìm thấy 98% hóa thạch lá thuộc loài Byttneriophyllum trong khu vực này, chứng tỏ rằng chúng đã rụng từ cây mẹ. Chúng tôi có thể nhìn thấy lá đã rụng nằm trên nền rừng và trở thành hóa thạch ở chỗ chúng rơi xuống".
Nghiên cứu trước đó đã liên kết một loại hóa thạch quả có tên Banisteriaecarpum giganteum với loài hóa thạch lá B. tiliifolium. Các nghiên cứu tương lai sẽ tập trung vào việc tìm kiếm dấu vết của quả ở Nhật Bản để xác định thân, quả và lá của cây hoàn chỉnh.