Thừa ủy quyền của Thủ tướng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ký tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc vào ngày 23/10.
Theo nội dung tờ trình, Chính phủ tiếp tục trình hai phương án liên quan rút bảo hiểm xã hội một lần, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.
Ảnh minh họa. |
Phương án một, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần với hai nhóm người lao động.
Nhóm một là người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết 93/2015/QH13 là cho phép người lao động lựa chọn giữa bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc hưởng 1 lần nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, có điểm khác biệt là nếu người lao động bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung.
Nhóm hai là người lao động bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025), không được rút bảo hiểm xã hội một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Với phương án này chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng…
Về ưu điểm, Chính phủ cho rằng phương án này dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng một lần thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW.
Theo dữ liệu, trong những năm đầu, số người hưởng không giảm nhiều, nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh. Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia so với phương án 2, nhưng trong dài hạn tối ưu hơn. Bên cạnh đó, do quy định không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn.
Nhược điểm của phương án này là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật có hiệu lực nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia vẫn có quyền chọn hưởng một lần. Do vậy, số người hưởng một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi luật mới có hiệu lực. Đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực trong việc hưởng một lần.
Với phương án hai, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.
Ưu điểm của phương án này là hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Dù số người hưởng một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại.
Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn, có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu…
Chính phủ cho rằng đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống, quyền lợi trong dài hạn.
Tuy nhiên, nhược điểm chưa giải quyết triệt để việc rút một lần theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Người lao động đã giải quyết một phần thời gian đóng, chỉ còn bảo lưu lại được một phần thời gian đóng nên sẽ ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chế độ (thời gian đóng ngắn) khi tiếp tục tham gia.
Người lao động không được giải quyết hưởng một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác bị giảm quyền lợi trước mắt. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, theo phương án này, tình trạng hưởng một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, do đó Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Biến đổi khí hậu, nhiều nước triển khai bảo hiểm thời tiết