Xếp ưu tiên số 1
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang được thành lập năm 2014, là tổ chức tài chính Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang, thực hiện chức năng đầu tư tài chính, đầu tư phát triển, có tư cách pháp nhân riêng. Quỹ hoạt động độc lập với Ngân sách nhà nước và tuân thủ theo Quy chế được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Nguồn vốn sở hữu của Quỹ gồm Ngân sách địa phương cấp; tiền đóng tự nguyện, các khoản tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các khoản thu khác để hình thành vốn chủ sở hữu.
Theo Quy chế quỹ hoạt động, Quỹ được phép cho các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có nhu cầu vay đầu tư các dự án thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ định Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh (Tân Thịnh) là nhà đầu tư thực hiện dự án xây cầu Đồng Sơn và đường lên cầu theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư này được Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang cho vay vốn thực hiện dự án với lãi suất 8%/năm.
Theo lý giải của UBND tỉnh Bắc Giang, căn cứ vào Danh mục các lĩnh vực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Quỹ giai đoạn 2015-2018 được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt, thì dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông (ưu tiên số 1) để được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh.
Tỉnh khẳng định, việc Quỹ cho Công ty Tân Thịnh vay vốn để thực hiện dự án là hoàn toàn phù hợp với đối tượng và điều kiện cho vay theo Quy chế hoạt động của Quỹ và quy định pháp luật, công bằng và không có sự ưu ái. Không chỉ vậy, với mức lãi suất vay 8%/năm Nhà nước còn tiết kiệm được chi phí đầu tư tại dự án BT so với phương án nhà đầu tư vay vốn từ các ngân hàng thương mại khác (do mức lãi suất vay từ các ngân hàng thương mại bình quân là khoảng 11%/năm).
Tuy vậy, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhưng sau đó đã tăng lên 200 tỷ đồng. Song hành với đó cũng là 2 lần Quỹ này cho Công ty Tân Thịnh vay vốn.
Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh (Ảnh: Bacgiang.gov.vn). |
Điều chỉnh đúng thời điểm
Được biết, Công ty Tân Thịnh đã vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang với tổng giá trị 50 tỷ đồng theo hai đợt, mỗi đợt 25 tỷ đồng, theo các Quyết định 408/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 và 282/QĐ-UBND ngày 04/5/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang. Đây được cho là khoản vay lãi nằm trong phần vốn nhà đầu tư được phép huy động để thực hiện dự án.
Thực tế, trước đó, vào tháng 4/2018, Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh để tham mưu cam kết bảo lãnh vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển theo đề nghị của Công ty Tân Thịnh.
Sở Tài chính cho biết, dự án xây dựng cầu Đông Sơn và đường dẫn lên cầu do Công ty Tân Thịnh làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, đã được Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang cho vay 25 tỷ đồng tại Quyết định số 408/QĐ-UBND, ngày 18/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thời điểm tháng 4/2018, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã được bổ sung vốn chủ sở hữu 100 tỷ đồng, nâng mức vốn chủ sở hữu lên là 200 tỷ đồng. Theo quy định của Bộ Tài chính về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, tổng mức dư nợ cho vay đối với 01 khách hàng không vượt quá 25% vốn chủ sở hữu. Với mức vốn chủ sở hữu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh là 200 tỷ đồng thì mức cho vay tối đa cho Công ty Tân Thịnh là 50 tỷ đồng.
Chính vì vậy, Sở Tài chính Bắc Giang đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét bảo lãnh cho Công ty TNHH Tân Thịnh vay vốn lần 2 từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang với số vốn vay 25 tỷ đồng, thời hạn vay là 02 năm kể từ tháng 5/2018.
Theo tài liệu của phóng viên, Hợp đồng dự án có quy định cụ thể, nhà đầu tư bố trí 175 tỷ đồng (15% tổng vốn đầu tư dự án) từ nguồn vốn chủ sở hữu và phần còn lại là 989 tỷ đồng (85% tổng vốn đầu tư dự án) từ nguồn vốn huy động thương mại để thực hiện dự án. Chi phí lãi vay nguồn vốn huy động được tính toán trong tổng vốn đầu tư của dự án.
Mà Quy chế cho vay của Quỹ, cũng như văn bản số 06/VBHN-BTC, ngày 15/1/2014 của Bộ Tài chính thì tổng dư nợ của 01 khách hàng cho phép không vượt quá 25% vốn chủ sở hữu.
Chiểu theo quy định này có thể thấy, theo Quyết định 408/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 lần 1 Tân Thịnh được cho vay 25 tỷ đồng, lúc này vốn điều lệ của Quỹ vẫn chỉ là 100 tỷ đồng. Tức là mức cho vay 25 tỷ đồng thời điểm này tương đương với 25% vốn chủ sở hữu của Quỹ đang có (100 tỷ đồng), cũng là tối đa so với tổng dư nợ quy định.
Đến lần vay thứ 2, nhà đầu tư tiếp tục được cho vay 25 tỷ đồng theo 282/QĐ-UBND ngày 04/5/2018. Nhưng lúc này Quỹ này đã kịp bổ sung 100 tỷ đồng nâng lên thành 200 tỷ đồng, thì có nghĩa chiểu theo quy định tổng dư nợ vay của 01 khách hàng tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang được phép dưới 50 tỷ đồng.
Vậy lần điều chỉnh tăng vốn điều lệ này “vô tình” phù hợp để Công ty Tân Thịnh tiếp tục được vay thêm 25 tỷ đồng mà không vi phạm quy định tổng dư nợ vay. Rõ ràng việc bổ sung Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang đã có tác dụng lớn đối với việc vay vốn của Công ty Tân Thịnh.
Theo tìm hiểu, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Tài chính làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ; ông Nguyễn Trung Lương làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ kiêm Giám đốc Quỹ; ông Đặng Xuân Chiến làm Phó Giám đốc Quỹ.