<div> <table class="picture nocaption"> <tbody> <tr> <td><img alt="benh nhan Covid-19 tu vong anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/23/znews-photo-zadn-vn_dsc_5470.jpg" title="bệnh nhân Covid-19 tử vong ảnh 1" /></td> </tr> </tbody> </table> <p>Việt Nam bước vào đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với số ca mắc tăng nhanh nhất từ trước đến nay.</p> <p>Điều đáng tiếc là trong đợt dịch này, kể từ sau trận bùng phát tháng 8/2020 ở Đà Nẵng, Việt Nam tiếp tục có bệnh nhân Covid-19 tử vong.</p> <p><em>Zing</em> có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), về tình hình dịch Covid-19 hiện tại và tình huống bệnh nhân tử vong.</p> <h3>Bệnh nhân không qua khỏi là điều đau lòng nhất</h3> <p class="question">- Trong lần phỏng vấn với Zing trước đó, ông từng nói hy vọng trong đợt dịch này, con số thương vong có thể không nặng nề như dịch tại Đà Nẵng. Từ 16/5 đến nay, chúng ta đã có 7 bệnh nhân không qua khỏi. Ông nhận định thế nào?</p> <p>- Bệnh nhân đầu tiên tử vong trong đợt này có bệnh lý nền mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, xẹp đốt sống lưng và tuổi cao. Các bệnh nhân khác cũng mắc bệnh lý nền nguy hiểm như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, di chứng chấn thương sọ não, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, huyết áp...</p> <p>Chúng tôi từng dự đoán khả năng sẽ có bệnh nhân tử vong trong đợt dịch này nhưng không nghĩ nhanh đến vậy. Bệnh nhân Covid-19 tử vong là điều bất khả kháng và chúng ta không thể tránh được.</p> <p>Thực tế, điều đáng tiếc này cũng không hẳn đến quá nhanh. Trận dịch này đã kéo dài khá lâu. Trong đợt bùng phát trước đó ở Đà Nẵng, chỉ sau vài ngày, chúng ta ghi nhận nhiều ca tử vong, có nhiều hôm liên tiếp 2-3 ca. Các bệnh nhân ở Đà Nẵng đa số có nền suy thận mạn, chạy thận giai đoạn cuối.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="benh nhan Covid-19 tu vong anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/23/znews-photo-zadn-vn_186518710_1874042446091638_5925889328676844679_n.jpg" title="bệnh nhân Covid-19 tử vong ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Bên trong phòng Hồi sức tích cực, nơi chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: <em>BVCC.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Điều này có thể thấy một khi Covid-19 xâm nhập vào người có nhiều bệnh nền thì nguy cơ tử vong có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đợt này, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, tuổi cao, nhiều yếu tố nguy cơ.</p> <p class="question">- Bệnh nhân tử vong có phản ánh độc lực và biến chủng của virus SARS-CoV-2 hay không?</p> <p>- Bệnh nhân tử vong không phản ánh độc lực của SARS-CoV-2. Thực tế, nguyên nhân gây tử vong ở người mắc Covid-19 đã được báo cáo khá nhiều trên thế giới.</p> <p>Nếu chỉ mắc Covid-19 thì có nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể, gây viêm phổi, tắc mạch, tổn thương mạch máu nhỏ, phổi không trao đổi oxy khiến bệnh nhân khó thở. Tổn thương mạch sẽ tác động nhiều hệ cơ quan khác.</p> <p>Khi bệnh nhân mắc Covid-19 càng cao tuổi, kèm theo nhiều bệnh lý nền thì sức đề kháng càng kém, ngay bản thân bệnh nền cũng đã có thể khiến người bệnh tử vong.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="benh nhan Covid-19 tu vong anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/23/znews-photo-zadn-vn_quan3.jpg" title="bệnh nhân Covid-19 tử vong ảnh 3" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Chỉ trong vòng 27 ngày bùng phát dịch trong cộng đồng, Việt Nam vượt mốc 2.000 ca bệnh Covid-19. Ảnh minh họa: <em>Chí Hùng.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Hai thách thức khiến dịch Covid-19 khó kiểm soát</h3> <p class="question">- Điểm giống và khác của đợt dịch này so với Đà Nẵng trước đó là gì?</p> <p>- Trong đợt dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, các bệnh nhân tử vong đa số là người cao tuổi và có nhiều bệnh lý nền như thận nhân tạo, tiểu đường, ung thư, huyết áp…</p> <p>Còn trong đợt bùng phát lần này, nơi xuất phát dịch lại liên quan người bệnh ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K - nơi điều trị bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch kém. Khi có Covid-19, nguy cơ tử vong sẽ nặng hơn rất nhiều. Thông thường, một khi dịch xuất hiện ở cơ sở y tế, tình trạng sẽ rất nặng nề với bệnh nhân có bệnh nền.</p> <p>Điều đáng lo ngại nhất của chúng ta là người có các bệnh lý nền mắc Covid-19. Trong các đợt dịch vừa qua, có những bệnh nhân rất cao tuổi nhưng chúng ta vẫn điều trị thành công và công bố khỏi bệnh. Do đó, khi các bệnh nhân Covid-19 không có bệnh nền mạn tính thì không phải là vấn đề lớn.</p> <p>Số bệnh nhân Covid-19 hiện tại ở nước ta khá ít, tuy nhiên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị khá nhiều ca nặng. Tôi vẫn hy vọng rằng đợt dịch này chúng ta không có quá nhiều điều đáng tiếc xảy ra, nhưng nguy cơ cũng rất cao.</p> <p class="question">- Điều khó khăn và thách thức của Việt Nam trong giai đoạn này là gì?</p> <p>- Thách thức lớn nhất trong đợt bùng phát lần 4 ở Việt Nam là Covid-19 từ cộng đồng tấn công trực tiếp vào cơ sở y tế. Ngay cả ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng từ nguồn lây bên ngoài cộng đồng vào chứ không phải do lây nhiễm chéo trong bệnh viện.</p> <p>Nguy cơ thứ 2 là trong cộng đồng. Trong đó, các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh có sự lây nhiễm rất lớn trong cộng đồng công nhân làm việc. Hiện tại, Covid-19 lan rộng đến 30 tỉnh, thành phố. F0 bên ngoài hiện nay không kiểm soát được, virus lan rộng ngoài cộng đồng đợt này nguy hiểm hơn rất nhiều so với các trận dịch trước.</p> <p>Hiện tại, chúng ta ghi nhận rất nhiều ổ dịch, nguồn lây, chủng SARS-CoV-2 khác nhau. Đây là những nguy cơ quá lớn. Sự phát triển virus rất nhanh chưa kể đến khả năng làm tăng nặng thêm tình trạng bệnh, tốc độ lây lan lớn cũng khiến công tác kiểm soát khó khăn hơn.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="benh nhan Covid-19 tu vong anh 4" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/23/znews-photo-zadn-vn_dsc_5468_zing.jpg" title="bệnh nhân Covid-19 tử vong ảnh 4" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4 là trận dịch lớn nhất và có tốc độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Ảnh minh họa: <em>Hoàng Giám.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Chu kỳ dịch hiện tại là 5 ngày nhưng có thể rút ngắn 2-3 ngày, có trường hợp tiếp xúc chỉ sau một ngày có kết quả dương tính, tất nhiên trường hợp này còn khá nhiều nghi ngờ vì không mấy khi virus có sự phát triển nhanh đến như thế. Có thể nhiễm từ nguồn nào khác.</p> <p class="question">- Người Việt vốn có thói quen thăm hỏi nhau khi ốm đau, một người đi viện khám thì sẽ có 2-3 người đi cùng. Theo ông, điều này có phải một phần nguyên nhân khiến dịch xâm nhập cơ sở y tế?</p> <p>- Với bệnh viện, phong tục thăm người bệnh tồn tại từ xưa đến nay. Tuy nhiên, hiện tại, điều này cần được xóa bỏ. Bệnh viện phải tập trung chữa bệnh, không đón tiếp người ra vào để thăm nom vì đã có nhân viên y tế chăm sóc.</p> <p>Trừ một số ít trường hợp cần người thân ở lại chăm sóc và cố định ít nhất 3 ngày chứ không nên thay đổi sáng người này, chiều người kia. Đây là lỗ hổng lớn khiến nguồn bệnh từ cộng đồng lây nhiễm vào bên trong cơ sở y tế.</p> <p>Chúng ta cần tăng cường xét nghiệm, bao gồm cả người bệnh lẫn thân nhân. Bệnh nhân nhập viện cần sàng lọc cẩn thận, nhanh chóng xét nghiệm, phân loại để có quyết định nhập viện chính xác.</p> <p>Nếu có trường hợp nghi ngờ, chúng ta dùng phương pháp rRT-PCR. Còn với người có nguy cơ cao, chúng ta dùng xét nghiệm khẩn cấp Xpert cho kết quả chẩn đoán sau 45 phút, kiểm tra kháng nguyên nhanh cho kết quả sàng lọc trong 15 phút.</p> <p>Hiện tại, các hệ thống của chúng tôi đều làm theo mô hình sàng lọc 3 lớp lấy xét nghiệm làm trung tâm kỹ thuật. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có đủ các phương pháp xét nghiệm nhanh như vậy.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>