Cụm công nghiệp có tên, nhưng thiếu đủ thứ
Cụm công nghiệp Kỳ Sơn nằm giáp tỉnh lộ 191, thuộc địa bàn 2 xã Ngọc Sơn và Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, tổng diện tích 53,26ha. Cụm công nghiệp được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3570/QĐ-UB ngày 10/8/2005, điều chỉnh cục bộ tại Quyết định 3665/QĐ-UBND ngày 4/10/2018 .
Cụm công nghiệp Kỳ Sơn thuộc danh mục quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh Hải Dương. Các ngành nghề thu hút đầu tư trong cụm công nghiệp này là chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; các dự án không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 15/5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương đã có Kết luận thanh tra số 04/KL-STNMT về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai của UBND huyện Tứ Kỳ tại Cụm công nghiệp Kỳ Sơn và việc chấp hành pháp luật đất đai của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương kết luận Cụm công nghiệp Kỳ Sơn chưa có cơ quan quản lý cụ thể, chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, các cơ quan Nhà nước thực hiện các thủ tục cho các cơ sở thuê đất trong Cụm công nghiệp Kỳ Sơn chưa tuân thủ quy hoạch chi tiết được phê duyệt; chưa đảm bảo ngành nghề thu hút đầu tư theo quy hoạch và quyết định thành lập cụm công nghiệp của UBND tỉnh Hải Dương, cá biệt có trường hợp để cơ sở sử dụng đất khi chưa có thủ tục theo quy định.
Bên cạnh đó, một số cơ sở thuê đất trong Cụm công nghiệp Kỳ Sơn còn có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi; xây dựng công trình không đúng quy hoạch mặt bằng chi tiết được phê duyệt; xây dựng vào đất hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục thuê đất, chưa nộp tiền thuê đất theo quy định.
Cùng với đó, theo Bản thuyết minh Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Kỳ Sơn năm 2005 thì UBND huyện Tứ Kỳ đảm nhận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến tận năm 2019, UBND huyện Tứ Kỳ chưa thành lập Ban quản lý các cụm công nghiệp hoặc Trung tâm phát triển cụm công nghiệp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kinh doanh hạ tầng theo quy định của UBND tỉnh Hải Dương và các Quyết định, Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Chưa có báo cáo ĐTM
Mặt khác, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cũng kết luận, thực tế Cụm công nghiệp Kỳ Sơn chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cả cụm. Cơ sở hạ tầng của cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung...
Hiện nay, từng cơ sở được thuê đất trong cụm công nghiệp phải tự đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dẫn đến tình trạng manh mún, xé lẻ quy hoạch, khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường làm phát sinh đơn thư khiếu kiện của nhân dân.
Sở TN&MT Hải Dương kết luận, 9/10 doanh nghiệp được thanh tra tại Cụm Công nghiệp Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ có nhiều vi phạm trong việc thuê đất, quản lý, sử dụng đất và môi trường. |
Trong lần thanh tra này, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hải Dương kết luận 9/10 cơ sở được thanh tra tại Cụm Công nghiệp Kỳ Sơn còn có nhiều hạn chế, vi phạm trong việc thuê đất, quản lý, sử dụng đất và môi trường. Trong đó, Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải chưa nộp tiền thuê đất đối với diện tích 30.300,2m2 được UBND tỉnh cho thuê từ năm 2012. Theo Công ty này cho biết, họ đang thực hiện thủ tục xin đối trừ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phòng mặt bằng vào tiền thuê đất hàng năm tại Cục thuế tỉnh.
Bên cạnh đó, Công ty CP Phúc Đạt tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đối với diện tích 9.800m2 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và được UBND huyện Tứ Kỳ tạm giao sử dụng. Đến ngày 26/9/2013, Công ty được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, cho phép sử dụng 9.800m2 đất nêu trên để đầu tư mở rộng dự án sản xuất xi măng trắng, ngói tuynel. Nhưng sau đó Công ty không hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định.
Ngày 19/10/2017, Công ty Phúc Đạt đã có văn bản trả lại 21.712/46.934m2 đất Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trả lại 7.076/9.800m2 đất nêu trên. Tuy nhiên, do có vướng mắc trong việc thế chấp tài sản trên đất giữa Công ty Phúc Đạt với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, nên đến nay UBND tỉnh Hải Dương chưa có quyết định thu hồi diện tích đất Công ty Phúc Đạt xin trả lại, Công ty Phúc Đạt cũng không hoạt động sản xuất trên điện tích này, dẫn đến để hoang hóa, gây lãng phí đất đai.
Ngoài Công ty Phúc Đạt thì Công ty TNHH nước sạch Kỳ Sơn quản lý, vận hành, kinh doanh Trạm nước sạch Kỳ Sơn trên diện tích khoảng 800m2 từ năm 2004 nhưng không có thủ tục về đất theo quy định. Theo báo cáo của UBND xã Kỳ Sơn, sau khi hoàn thành dự án Trạm nước sạch, UBND xã Kỳ Sơn đã giao HTX dịch vụ vước sạch Kỳ Sơn quản lý, vận hành và kinh doanh nước sạch; tuy nhiên quá trình hoạt động, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ nhiệm HTX đã phát triển HTX thành công ty TNHH nước sạch Kỳ Sơn. Năm 2010, UBND xã Kỳ Sơn đã kiến nghị UBND huyện Tứ Kỳ về việc cho HTX nước sạch Kỳ Sơn thuê đất nhưng đến nay chưa thực hiện được nội dung này.
Song song đó, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cũng phát hiện Công ty CP Thuận Cường vi phạm hành lang bảo vệ sông Thái Bình với diện tích khoảng hơn 1900m2; vi phạm hành lang kênh Bá Liễu với diện tích 500m2; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Huy vi phạm hành lang kênh Bá Liễu với diện tích khoảng hơn 230m2…