Bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, nhìn nhận kế hoạch xét nghiệm 3,3 triệu mẫu trên diện rộng của Hà Nội cho thấy TP đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Và với 2 tuần giãn cách tiếp theo, đây là bước đi có tính chiến lược trong trận chiến chống Covid-19.
Hà Nội cần lưu ý gì khi xét nghiệm diện rộng, số mẫu lớn
Đêm 10/8, UBND Hà Nội công bố văn bản do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ký, phê duyệt kế hoạch xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại toàn bộ 30 quận, huyện với số lượng ước tính khoảng 3,3 triệu mẫu, trong đó có 1,3 triệu mẫu RT-PCR.
Mục tiêu của chiến dịch xét nghiệm này nhằm nhanh chóng phát hiện hết F0 còn lại trong cộng đồng cũng như sớm ổn định tình hình dịch bệnh.
Khẳng định đây là việc đúng đắn, song bác sĩ Thu Anh cho rằng Hà Nội cần rút ra 2 bài học chống dịch đắt giá từ TP.HCM và bằng mọi cách không được phép mắc phải.
Thứ nhất, Hà Nội cần tổ chức điểm xét nghiệm thật khoa học, không để xảy ra tình trạng người dân chen chúc, ùn ùn kéo vào điểm xét nghiệm làm tăng nguy cơ lây nhiễm nơi đông người. Đặc biệt nguy hiểm khi đối tượng xét nghiệm hầu hết thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 cao.
Thứ hai, với việc trong hơn một tuần, các đơn vị phải lấy, vận chuyển, xử lý, xét nghiệm 1,3 triệu mẫu PCR là khối lượng công việc rất nặng nhọc, rất dễ xảy ra sai sót khi trả kết quả và nguy hiểm nhất là nhầm mẫu, hoặc cho âm tính giả.
Chuyên gia nhấn mạnh Hà Nội cần tránh lặp lại tình trạng người dân tập trung đông đúc ở điểm xét nghiệm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Hà Nội cần có kế hoạch tổng thể, từ chuẩn bị, xác định đối tượng, tổ chức điểm xét nghiệm, thiết bị, nhân lực vận hành máy móc, sinh phẩm cho đến trả kết quả. Và thành phố cũng cần định hình sẵn tình huống khi trong 3 triệu mẫu có 1.000, 10.000 thậm chí hơn 100.000 người dương tính sẽ ra sao", bác sĩ Thu Anh nói.
Trong 2 triệu trường hợp làm test nhanh chỉ cần 1% có kết quả âm tính giả, nguy cơ vô cùng lớn đối với Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Thu Anh
Cơ quan chuyên môn của TP cần hướng dẫn, quán triệt quy trình lấy mẫu một cách chi tiết, chặt chẽ. Đối với 2 triệu xét nghiệm sử dụng test nhanh, bác sĩ này cho rằng TP cần hết sức thận trọng và phải chọn lựa loại kit có độ nhạy cao.
"Nếu sử dụng loại kit độ nhạy thấp, khả năng âm tính giả sẽ lớn. Và trong 2 triệu trường hợp làm test nhanh chỉ cần 1% có kết quả âm tính giả, nguy cơ vô cùng lớn đối với Hà Nội", bà Thu Anh lo ngại.
Tranh thủ từng giờ, từng phút
Còn GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, nêu ý kiến TP cần chú trọng xét nghiệm và trả kết quả một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn. Nếu xét nghiệm diện rộng, lấy cả triệu mẫu một lúc nhưng công suất phòng thí nghiệm, nhân lực không đáp ứng chắc chắn để xảy ra tình trạng ùn ứ.
"Xét nghiệm xong nhưng 4-5 ngày sau mới trả kết quả thì không còn nhiều ý nghĩa. TP cần có phương án lưu trữ mẫu bệnh phẩm số lượng lớn trong khi chờ xét nghiệm, rồi bố trí nhân lực ra sao để vừa đảm bảo tiến độ, vẫn giữ sức khỏe cho nhân lực vận hành máy. Điều này vô cùng quan trọng", vị giáo sư cho hay.
Ông Trí nhấn mạnh đây là thời cơ quý giá Hà Nội chặn đứng nguy cơ lây lan trước khi dịch bệnh lan rộng đến mức mất khả năng kiểm soát như ở TP.HCM. Bài học quý giá này đã được thủ đô rút kinh nghiệm sâu sắc khi chứng kiến sự phức tạp của dịch bệnh tại địa phương phía nam trong 2 tháng qua.
Hà Nội cần ứng dụng triệt để công nghệ để trả hàng triệu kết quả xét nghiệm. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Thu Anh nói TP cần tính toán tốc độ lấy mẫu phù hợp với năng lực lưu trữ, xử lý. Cùng với đó, Hà Nội cần có hệ thống trả kết quả xét nghiệm không tiếp xúc như cơ sở dữ liệu online, trả kết quả qua số điện thoại, địa chỉ email...
Vị chuyên gia cho rằng TP.HCM cũng từng vấp phải một sai lầm đó là khi xét nghiệm ồ ạt, kết quả trả về với số lượng ca dương tính cao vượt mọi dự đoán khiến TP bị động, không kịp trở tay với những diễn biến tiếp theo.
"Nếu số F0 tăng vọt sau khi sàng lọc 3 triệu người, Hà Nội cần có sự chuẩn bị chỗ cách ly, điều trị theo từng tầng, lường trước gánh nặng đối với hệ thống y tế để chủ động san sẻ sang tuyến quận, huyện. Đây là sai lầm rất dễ mắc phải và Hà Nội có thể nhìn vào TP.HCM để thấy điều này nguy hiểm thế nào", bà Thu Anh nói.
Xét nghiệm diện rộng là con đường duy nhất của Hà Nội
Với hơn 3 triệu xét nghiệm trong 1 tuần, bác sĩ Thu Anh thừa nhận đây là khối lượng công việc rất nặng nhọc, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ, bất cập trong triển khai. Song, bà khẳng định đây là giải pháp tốt nhất và duy nhất TP có thể thực hiện lúc này.
Kéo dài thời gian xét nghiệm đồng nghĩa với kéo dài giãn cách, khi đó không chỉ kinh tế đình trệ mà cuộc sống, tinh thần người dân cũng bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Nguyễn Thu Anh
Xét nghiệm thời gian ngắn tăng khả năng dập dịch và cắt ngắn thời gian TP phải tiếp tục giãn cách xã hội. Nếu sau một tuần, số ca nhiễm ở mức an toàn, TP có thể xem xét dừng hoặc hạ mức độ các quy định.
"Kéo dài thời gian xét nghiệm đồng nghĩa với kéo dài giãn cách, khi đó không chỉ kinh tế đình trệ mà cuộc sống, tinh thần người dân cũng bị ảnh hưởng", bà Thu Anh phân tích.
Đến ngày 23/8, Hà Nội sẽ có 30 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo kế hoạch xét nghiệm diện rộng UBND Hà Nội ban hành tối 10/8, TP yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ để đánh giá nguy cơ lây nhiễm, bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan.
UBND TP yêu cầu chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.
Ngành y tế có phương án chặt chẽ việc lấy mẫu, làm xét nghiệm thống nhất, phù hợp năng lực xét nghiệm trong 24 giờ không để mẫu tồn; đảm bảo công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ. Các đơn vị phối hợp linh hoạt khi triển khai thực hiện đảm bảo an toàn khi lấy mẫu, giãn cách phù hợp, không để lây nhiễm chéo.
Kế hoạch này nêu rõ từ ngày 9/8 đến khoảng ngày 15-17/8, Hà Nội sẽ xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR. Một số địa phương còn lại chủ động xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dự kiến 2 triệu test nhanh.