Thượng tầng tranh đấu quyết liệt
Trong ngày 30/6, Eximbank tiến hành đồng thời 2 đại hội, ĐHCĐ thường niên năm 2020 và ĐHCĐ bất thường ở TPHCM. Tuy nhiên, phiên họp ĐHCĐ thường niên đã không đủ điều kiện tiến hành do tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự chỉ có 17,54%, không đủ 65% như quy định. Tương tự, ĐHCĐ bất thường diễn ra cùng ngày cũng bất thành khi tỷ lệ cổ đông tham dự là 51,92%.
Đây không phải là lần đầu tiên Eximbank tiến hành ĐHCĐ thất bại. Trước đó, ngân hàng cũng không thể tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2019 do không đủ số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Đại hội lần 2 dự kiến tổ chức sau đó một tháng cũng phải hoãn lại. “Quá tam ba bận”, đến lần thứ 3, dù cổ đông tham dự họp đạt con số kỷ lục của ngân hàng này, nhưng Eximbank vẫn buộc phải dừng ĐHCĐ và đề nghị tổ chức lại sau đó do những tranh cãi gay gắt giữa các nhóm cổ đông.
Chính vì ĐHCĐ thường niên năm 2019 chưa tiến hành thành công, phải hủy nhiều lần nên Eximbank phải tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2020.
Năm 2016, ngân hàng này cũng phải tổ chức ĐHCĐ đến lần thứ 3 mới xong. Khi đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank xuất hiện một loạt nhân sự mới lạ, trong đó có đại diện đến từ Vietcombank và cả những thành viên đến từ Công ty Âu Lạc - tập đoàn về vận tải tàu biển và khá xa lạ với lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thực tế, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm nay, bắt đầu từ năm 2015, khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ bị “thâu tóm” bởi nhóm cổ đông đến từ ngân hàng Nam Á (NamABank).
Ít ngày trước khi ĐHCĐ thường niên năm 2020 được tiến hành, Eximbank bất ngờ thông báo HĐQT của ngân hàng đã chấp thuận ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và bầu chọn ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Ninh.
Ghế Chủ tịch HĐQT của ông Ninh tại Eximbank chưa một ngày được “êm ái” dù thời gian ông Ninh nắm giữ cương vị chủ tịch HĐQT chưa đầy 1 năm. Trong thời gian ngắn, liên tục có những khiếu kiện liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú cũng như ông Cao Xuân Ninh. Trong khi đó thì Eximbank luôn khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao đều đúng theo điều lệ ngân hàng và tuân thủ quy định của pháp luật.
Kinh doanh đì đẹt
Mặc dù có nhiều ý kiến “trấn an” từ phía Eximbank rằng mâu thuẫn giữa nhân sự cấp cao của ngân hàng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngân hàng. Tuy nhiên, những “lục đục” trong suốt nhiều năm nay đã khiến cho các cổ đông khác của Eximbank mất niềm tin vào hoạt động của ngân hàng này.
Eximbank từng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam, thu hút được 225 triệu USD đầu tư từ Tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMBC) để trở thành cổ đông chiến lược, sở hữu 15% vốn điều lệ. Nhưng những bất ổn liên tiếp thượng tầng đã khiến nhiều năm, các cổ đông Eximbank không được chia cổ tức.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Eximbank, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 với tổng tài sản đạt 176.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019, huy động vốn từ kế hoạch đạt 147.800 tỷ đồng, tăng trưởng 6%, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Cho đến nay, nợ xấu vẫn là nỗi lo chưa được giải quyết dứt điểm của Eximbank. Quý 1/2020, nợ xấu của Eximbank bán cho VAMC còn 3.277 tỷ đồng. Chỉ sau 3 tháng đầu năm, nợ xấu của Eximbank tăng thêm 85 tỷ đồng, dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vẫn trong ngưỡng cho phép ở mức 1,85%.
Đáng lưu ý, số dư nợ trong nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn của Eximbank có 746 tỷ đồng là dư nợ gốc của các khoản cho vay, được đảm bảo bằng 75 triệu cổ phiếu của ngân hàng Sacombank (STB), với dự phòng tương ứng là 43,3 tỷ đồng.
Khoản nợ trên được thế chấp bằng cổ phiếu STB để mua cổ phiếu EIB của Eximbank, sau đó khách hàng không có khả năng thanh trả. Điều này là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ vay chứng khoán của Eximbank trong năm 2019 là 6,04% trên tổng dư nợ cho vay, cao hơn mức quy định 5% theo Thông tư 36.
Tháng 10/2029, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép Eximbank xử lý số cổ phiếu STB này. Dự kiến trong năm 2020, Eximbank sẽ tiến hành bán cổ phiếu STB để thu hồi nợ.
Hiện tại, Eximbank vẫn được giữ nguyên nhóm nợ trên với lý do chưa nhận được hướng dẫn nào khác của NHNN về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với các khoản vay này.
Nhấn mạnh rằng, nếu Eximbank thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản nợ 764 tỷ đồng theo Thông tư 02 và 09 thì trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ tăng lên 175 tỷ đồng. Điều này chắc chắn làm giảm sâu lợi nhuận của ngân hàng.
Cũng theo báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank, có 14 khoản vay dư nợ 4,23 tỷ đồng và 335 khoản thẻ tín dụng tín chấp có dư nợ 3,56 tỷ đồng được cấp cho các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo luật. Qua đó, việc tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Cho đến thời điểm này, Eximbank vẫn chưa áp chuẩn Basel II theo thông tư 41 như kế hoạch đề ra từ vài năm.