Mùa nào quả nấy, dùng quả tráng miệng sau bữa ăn với quan niệm bớt ngấy, dễ tiêu hóa và thêm bổ dưỡng… là quan niệm lâu nay của nhiều người. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đại cho thấy, sau bữa ăn mà tráng miệng hoa quả sẽ khiến tiêu hóa không thuận, ảnh hưởng đến sức khỏe vì một số lý do:
Thức ăn vào dạ dày, dạ dày co bóp, nhào trộn tiết ra dịch vị để phân giải và tiêu hóa thức ăn. Sau đó dẫn thức ăn đưa vào hành tá tràng để tiếp tục tiêu hóa. Trong quá trình này mất 1-2 giờ. Nếu sau bữa ăn ta lại ăn thêm các loại hoa quả trái cây nữa thì sẽ bị ứ đọng ở dạ dày lâu hơn, làm tăng cường sự làm việc của dạ dày, thức ăn đọng lại lâu trong dạ dày gây tác dụng phức tạp của các axit hữu cơ có trong các trái cây như malic axit, citric axit, tartaric axit…
Thức ăn sẽ lên men hư hỏng, hình thành sự chướng hơi, đầy khí trong dạ dày, gây ậm ạch khó tiêu, người yếu sẽ làm cho buồn nôn, nấc, ợ hơi, ợ chua y như vật đã bị thối sinh khí.
Trong thức ăn thường có các loại rau như bắp cải, xu hào, súp lơ… đều có chất rhodanate có thể sau khi đã thay thế, chuyển hóa thành chất thiocyanic axit. Còn trong hoa quả như táo, lê, nho… thì có hợp chất flavone. Chất này ở trong đường ruột sau khi đã bị các vi khuẩn đường ruột phân giải biến hóa thành chất dihydroxybenzoic axit. Chất thiocyanic và dihydroxybenzoic tác động với nhau sẽ làm rối loạn công năng bình thường của tuyến giáp trạng không phải do thiếu iot.
Nhiều người còn lầm tưởng khi ăn quá no, muốn cho tiêu hóa nhanh thì ăn thêm hoa quả. Nhưng kết quả ngược lại, khó tiêu và tiêu rất chậm vì dạ dày bị ứ đọng thức ăn quá lâu.
Từ những phân tích trên đây chúng ta không nên ăn hoa quả ngay sau bữa ăn mà nên ăn sau 2-3 giờ thì kết quả tiêu hóa và hấp thu rất tốt. Các vitamin trong hoa quả được thẩm thấu và hấp thu đầy đủ trong ruột non. Đặc biệt đối với các loại quả có nhiều chất tanin và pectin như quả hồng thì tuyệt đối không nên ăn khi vừa ăn cơm xong cũng như khi bụng đang cồn cào.
BS Kim Lan (nguyên cán bộ Bệnh viện Châm cứu T.Ư)