<div> <h2 style="text-align: justify;"><strong style="font-size: 17px;">Nhà ngoại giao chuyên đàm phán với nhà Thanh</strong></h2> </div> <p style="text-align: justify;">Hà Tông Huân (1697 -1766), người làng Kim Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, cháu 9 đời của Hà Công Trình.</p> <p style="text-align: justify;">Từ nhỏ, Hà Tông Huân đã được mọi người mệnh danh là "Thần đồng Kim Vực" vì thán phục trí nhớ siêu việt của ông. Đến tuổi niên thiếu, sau khi đã hấp thụ hết kiến thức của vị thầy đồ trong làng, Huân bèn rủ hai bạn đồng môn là Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ tìm đến thầy Trần Ân Chiêm, tục gọi quan Nghè Bón (vì ở làng Châu Bội hay làng Bón) xin thụ giáo.</p> <p style="text-align: justify;">Khoa thi Đình năm Giáp Thìn (1724), niên hiệu Bảo Thái thứ 5 đời vua Lê Dụ Tông, ông đỗ Bảng Nhãn. Vì khoa đó không chấm ai Trạng nguyên và Thám hoa, nên ông đỗ cao nhất nước. Người đương thời gọi là ông Bảng Vàng. (Tức Bảng Nhãn làng Vàng, cũng là đứng đầu Bảng Vàng đề tên).</p> <p style="text-align: justify;">Hà Tông Huân làm quan, trải thờ năm đời Hoàng đế nhà Lê, đầu là Lê Dụ Tông (1705 - 1729), cuối là Lê Hiển Tông (1740 -1786). Thoạt đầu ông được bổ chức Đốc đồng Trấn Sơn Nam; Đốc trấn An Quảng.</p> <p style="text-align: justify;">Sau này, do có công dẹp giặc núi ở Thanh Hoa và tham mưu việc quân quốc cơ yếu cho vua Lê, chúa Trịnh, nên được phong Thượng thư bộ Binh. Ông cũng là Tế tửu Quốc Tử Giám, nhà ngoại giao chuyên đàm phán các tranh chấp, mâu thuẫn với nhà Thanh.</p> <p style="text-align: justify;">Đỉnh cao sự nghiệp đến khi ông đương nhiệm chức Thượng thư rồi Tể tướng đầu triều. Năm 65 tuổi, ông xin nghỉ hưu, song chúa Trịnh lại vời ông làm quan Chủ khảo chấm kỳ thi Đình, rồi biên soạn lại sách dạy cho sĩ tử cả nước học. Sau khi hoàn tất, ông lui về làng Kim Vực, vui thú điền viên cùng bà con chòm xóm.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Lúc đến dân mừng, lúc đi dân nhớ</strong></p> <p style="text-align: justify;">Ngoài tiếng tốt để lại trong khi làm quan, Hà Tông Huân còn là một nhà giáo giàu tâm huyết và đức độ, được không ít người đương thời coi là bậc tôn sư.</p> <p style="text-align: justify;">Sách Đại Việt sử ký tục biên viết: “...Thanh giá ông như vàng, ngọc; phẩm chất ông như phượng, loan. Năm 12 tuổi đỗ ở quận, năm 16 tuổi đỗ Hương giải nổi tiếng thần đồng, Vua Chúa đều biết... Rồi đỗ đầu khoa Hoành từ, đỗ Bảng nhãn... Bởi thế, làm quan trong, quan ngoài, đi đến đâu cũng đều tốt. Khi gặp việc khó khăn, giống như bổ củi rắn, gỡ tơ rối, cũng chỉ nhón tay là xong. Tới đất khách ở núi Bắc, hùng biện mà lấy lại được bờ cõi xưa. Ở Nam quan tiếp khách quý, đối đáp làm cho bớt cung đốn. Cho đến làm Thừa tuyên, làm Trấn phủ, gần thì Sơn Tây, Sơn Nam, xa thì Thái Nguyên, An Quảng... đến đâu cũng làm phúc tinh soi sáng mọi phương, làm giọt mưa ngọt thấm nhuần khắp cõi. Lúc đến thì dân mừng, lúc đi thì dân nhớ... Lại còn lòng vẫn khiêm cung, chi dùng tiết kiệm. Lượng sống thênh thang, nguyên lão mà đề cử người tuổi trẻ. Ngôi sao thăm thẳm, đắc thời mà lại nhượng cho người sau. Đó là điều mà các vị danh tướng cũng khó làm được như vậy".</p> <p style="text-align: justify;">Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt. Khi thi thố những công việc to tát, việc gì cũng xong. Ở triều hơn 30 năm, trải làm tướng văn, tướng võ, công danh hiển hách lại “trích tác thành cho người hậu thế”. Nay ông về chống gậy đi dép vui với gió xuân; giảng đàn uống rượu vui cùng trăng thu. Tìm nơi lạ, chọn chỗ đẹp, tiêu dao ở đó… Khi đã về, ông dựng một ngôi nhà ở bến sông, mỗi khi buổi chiều đẹp trời thường ra đó uống rượu. Thỉnh thoảng mời các cụ già trong thôn đến trò chuyện, thú phong lưu tiêu sái, không có vẻ gì là từng ở ngôi quý hiển ngày xưa”.</p> <p style="text-align: justify;"><em>(còn nữa)</em></p>