<div> <p style="text-align: justify;"><strong>Học giỏi, làm lụng hơn người</strong></p> </div> <p style="text-align: justify;">Quan nghè có ba cô con gái, ý thầy muốn gả cho ba học trò giỏi nhất của mình là Huân, Giai và Kỳ liền bàn với vợ. Bà Nghè muốn tường tận tính nết từng cậu qua tư cách, nên một hôm mới dọn riêng mâm cơm dưới nhà, nhắn mời riêng ba người. Quá bữa đã lâu, bà mới cho gọi.</p> <p style="text-align: justify;">Mấy cậu chắc mẩm sẽ được chén cỗ bàn thịnh soạn, ngờ đâu mâm cơm chỉ có ba suất, mỗi suất vỏn vẹn ba chén cơm và một quả trứng vịt luộc cùng ít nước mắm. Bụng đói meo, nhìn quanh lại chẳng có người, không cần giữ ý tứ, mạnh ai nấy ăn. </p> <p style="text-align: justify;">Đỗ Huy Kỳ xắn trứng làm tư, ba chén cơm kèm 3 miếng trứng, miếng cuối dùng tráng miệng. Trịnh Đồng Giai dầm trứng với nước chấm, chan đều ba chén rồi ăn. Hà Tông Huân cho quả trứng vào miệng nhai ngon lành, kế đến ăn cơm với nước mắm.</p> <p style="text-align: justify;">Nấp trong buồng quan sát, bà nghè ưng lối ăn của Giai, điều hòa, căn bản ắt đời luôn sung túc ấm no. Kế đến cách ăn của Kỳ cũng căn cơ, tính toán, về sau cũng nhàn hạ sung sướng. Riêng Huân bà chê, ăn kiểu ấy chỉ là ngữ phá nhà phá cửa, sau rồi tán gia bại sản, vợ con khổ thôi.</p> <p style="text-align: justify;">Quan Nghè vuốt râu cười khà, đoạn bảo vợ: "Đấy chỉ là cách đánh giá thường tình của nhân gian, nào biết kẻ ăn to thì to lớn" rồi bà xem, khóa sau, Huân sẽ đỗ cao, quan to hơn hẳn bọn kia nữa là!"</p> <p style="text-align: justify;">Bà Nghè hoài nghi lắm, cho đến một hôm, bà nhờ ba cậu phát giúp cỏ dại ở đìa ruộng. Cả ba sáng sớm vác dao liềm ra đồng. Xế trưa đi chợ về, tạt ngang qua xem, chỉ thấy Giai, Kỳ cắm cúi phát đã quá nửa phần ruộng được giao. Riêng Huân nằm dưới bóng râm, nón che mặt mà ngủ khì.</p> <p style="text-align: justify;">Bà Nghè hộc tốc về mách lại chồng. Thầy Nghè chẳng nói gì, lững thững ra xem hư thực, bà Nghè theo sau, không ngớt lời chê bai dè bỉu Huân. Đến nơi, ông bà thấy Huân phạt cỏ nhanh soàn soạt, vượt luôn cả hai bạn, cậu phát nhanh đến nỗi cua cá nổi lềnh bềnh, cụt đuôi sứt càng vì không kịp chạy. Thầy Nghè hài lòng lắm, bảo vợ: "Học giỏi, làm lụng hơn người, Hà Tông Huân còn tiến xa nữa. Thật không phụ công ta nuôi dạy".</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Chọn ngọc, chọn vàng...</strong></p> <p style="text-align: justify;">Về sau, thầy trò càng tương đắc, ý thầy muốn tác duyên cho ba cô con gái, mới nghĩ ra cách: Tông Huân vốn ở làng Kim Vực, thầy lấy chữ Kim (vàng); Đồng Giai xuất thân làng Ngọc Hoạch, thầy trích chữ Ngọc ra; Huy Kỳ quê làng Thử Cốc thầy mượn chữ Cốc (ngũ cốc), rồi gọi ba con gái mà hỏi: "Nay bố có ba món: Lúa, Ngọc và Vàng, mỗi con chỉ được chọn một thứ, hãy nói bố nghe": cô cả chọn lúa, ông gả cho Huy Kỳ (đỗ Thám Hoa năm 1731); cô thứ chọn ngọc, ông gả cho Đồng Giai (đỗ Tiến sĩ, tục gọi ông Nghè Vạc); riêng cô út chọn vàng, thầy gả cho Hà Tông Huân, đỗ Bảng nhãn mà người đời vẫn gọi là ông Bảng Vàng.</p> <p style="text-align: justify;">Thông minh, mẫn tiệp, nhưng Hà Tông Huân lại rất ham mê cờ bạc. Một hôm, bố vợ sai người đi tìm, khi về ngang qua ruộng nhà bố vợ và mấy người đàn ông đang làm lụng vất vả, bố vợ nâng đòn, toan nện cho một trận, nhưng rồi lại không nỡ, bèn ra một vế đối, bảo phải lấy việc trước mắt mà đối, đối được mới tha, vế đối như sau: Học bác tài xa dự nhập tứ môn chi tuyển (học rộng tài cao, dự cả bốn kỳ thi tuyển). Huân đối lại: Phụ canh tử nậu, kỳ thu bách mẫu chi công (cha cày con bừa nên thu công cả trăm mẫu). Lời đối tuy không sắc nhưng bố vợ nghe thế cũng yên lòng.</p> <p style="text-align: justify;"> </p> <p style="text-align: justify;"> </p>