<div> <p><strong>Sự nghiệp tam khôi trưng thần mộng</strong></p> </div> <p>Đây là kế sách trị nước, bình thiên hạ, mong cho dân chúng ấm no, nước nhà giàu mạnh, thể hiện được tầm vóc trí tuệ và nhân cách cao cả của ông. Dân là gốc của nước, nhà vua phải tu dưỡng bản thân noi theo các bậc tiên hiền, yêu dân như con, dốc lòng chăm lo chính sự, thưởng phạt nghiêm minh. Được vậy ắt mở thời thịnh thế, non sông vững bền, muôn dân an cư lạc nghiệp.</p> <p>Tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), ông qua đời ở tuổi 70. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ ông và dựng hai câu đối: Sự nghiệp tam khôi trưng thần mộng - Nhất đẳng văn chương kết chủ tri (Sự nghiệp tam khôi thần báo trước - Văn chương bậc nhất được vua khen).</p> <p>Cuộc đời Hà Tông Huân đầy những giai thoại, sách Đại Nam nhất thống chí và Thoái thực ký văn kể về ông như sau: Một hôm, cha sai đi mua lịch. Ông đem tiền mua bánh ăn rồi về.</p> <p>Cha hỏi: “Lịch đâu?”. Ông thưa, con đã thuộc trong đầu rồi, không cần phải mua nữa. Cha lấy làm lạ, ngầm sai người đi mua quyển lịch, kiểm tra trí nhớ của con, thấy không sai sót một chữ nào! Nhưng dù sao thì vẫn bị đánh đòn cho nhớ.</p> <p>Lại có lần bị cha phạt trói vào gốc cau trong vườn cả buổi không cho chạy nhảy chơi đùa cùng chúng bạn. Cậu khổ sở xin tha không được... cha chỉ cây cau, ra điều kiện, nếu vịnh được cây cau hay mới cởi trói. Huân ứng khẩu đọc ngay: Lưng đeo đai bạc bao trăm nén - Đầu đội tàn xanh biết mấy tầng.</p> <p>Câu đối tả cây cau, giữa thân xòe ra một mo ôm lấy buồng hàng trăm trái, trên là những tàu lá xòe tròn như cái lọng. Nghĩa bóng còn hay hơn, khẩu khí chứng tỏ cậu nuôi chí lớn, mộng thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn mới được vua ban cho "đai bạc", lọng xanh. Cha thấy có chí khí, giỏi văn chương, lòng mừng thầm nên mới tha cho.</p> <p><strong>Câu đối thể hiện chí lớn</strong></p> <p>Lần khác, trời mưa, Huân ta cùng Trịnh Đồng Giai, Đỗ Huy Kỳ tìm sang làng Bón xin thụ giáo quan Nghè, cả bọn vừa đi vừa ngã, trầy trượt mãi mới tới gốc đa đầu làng. Thấy có người ngồi trú mưa, bèn vái chào mà hỏi thăm nhà quan Nghè. Thấy vậy người nọ đáp:</p> <p>- Tôi ra vế đối chơi, nếu các cậu đối được, tôi dẫn tận nhà, khỏi chỉ đường lôi thôi, đoạn đọc luôn: "Đi đường đất thịt trơn như mỡ". Quả thật, trời mưa, đường trơn là cảnh tượng ngay trước mắt ... Giai, Kỳ còn suy nghĩ thì Huân đã đối: "Ngồi tựa gốc đa mát thấu xương" (người Thanh - Nghệ gọi cây đa là cây da).</p> <p>Câu đối chọi chữ chọi ý tài tình: da với xương chọi lại thịt với mỡ. Lại dùng thành ngữ "Mát thấu xương" đối với "Trơn như mỡ" tưởng không còn vế đối nào hay hơn. Người kia đứng dậy, khen: "Giỏi ! Giỏi ! ..." cười ha hả nhận dẫn đường cho ba cậu học trò. Đến nơi Huân, Giai, Kỳ mới vỡ lẽ: Quan Nghè Bón chính là ông lão chứ chẳng ai khác!</p> <p>Được học ông nghè, có lần thầy trò ra sông tắm, thầy vắt áo lên cây, cao hứng ngâm: Bách niên cổ thụ, vi y giá (cây cổ thụ trăm năm dùng làm giá treo áo).</p> <p>Huân nhảy ùm xuống sông, ngoi lên đọc luôn: Vạn lý trường giang, tác dục bồn (con sông dài muôn dặm làm cái chậu tắm). Khẩu khí của người làm lớn đã bộc lộ ngay từ nhỏ vậy! Đó là những chuyện trước năm 12 tuổi. Còn 12 tuổi Huân đã thi đỗ Tường sinh ở huyện, 16 tuổi đỗ cử nhân rồi! Thầy lấy làm hài lòng lẫn khâm phục, vì câu đáp của cậu luôn ẩn chứa chí lớn hơn hẳn vế đối ra.</p> <p><em>(còn nữa)</em></p>