Sáu chung cư cũ đó gồm: Nhà A Ngọc Khánh; Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi); nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng; nhà C8 Giảng Võ; G6A Thành Công.
Trong thời gian này, người dân sẽ được bố trí nhà ở tạm thời. UBND thành phố giao UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa thực hiện và đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong quý 3.
Ngoài ra, lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại trình thành phố trong quý 4; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư trong quý 1 năm sau.
Tiếp đó, hết quý 2/2023, chủ đầu tư sau khi được chọn phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, lập phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng.
Thành phố Hà Nội dự kiến sử dụng các quỹ nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng hơn 4.400 căn hộ và có kế hoạch xây dựng các khu định cư mới tại các khu di dân Đền Lừ 3, khu Đông Hội, huyện Đông Anh.
Theo thống kê đến năm 2020, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ. Đây là con số nhiều nhất cả nước. Đến nay con số này vẫn đang được tiếp tục rà soát và cập nhật.
Cơ bản, các nhà chung cư cũ này chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, quy mô thường từ 2 đến 6 tầng, ngoài ra còn có một số chung cư đơn lẻ phân bố rải rác trên địa bàn các quận trung tâm.
Hầu hết nhà chung cũ này đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Do vậy cần phải kiểm định, đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng lại.
Tại TP.HCM, UBND thành phố đề nghị trong năm 2022, Sở Xây dựng thành phố theo dõi, đôn đốc UBND TP. Thủ Đức, các quận huyện di dời chung cư cũ, phấn đấu và quyết tâm khởi công 14 dự án xây mới, thay thế 14 chung cư cấp D.