Quyết định được lãnh đạo TP HCM đưa ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 819 ca nhiễm, đã trải qua 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 song các ca nhiễm xuất hiện trên toàn bộ quận huyện với 6 ổ dịch cộng đồng.
Các ổ dịch chủ yếu tại khu nhà trọ, cụm dân cư quận huyện vùng ven, bệnh nhân làm việc trong khu công nghiệp, nhân viên y tế, nhân viên văn phòng. Đặc biệt 24 tiếng trôi qua, thành phố ghi nhận thêm 82 ca mắc mới - bằng với thời điểm ca nhiễm cao nhất công bố trong đợt dịch Hải Dương, Quảng Ninh hồi đầu năm.
Một tuần trước, khi giãn cách được 7 ngày, chính quyền đánh giá "cơ bản đã kiểm soát được các ổ dịch" và kỳ vọng sau hai tuần sẽ đẩy lùi Covid-19 bằng các biện pháp mạnh. Song ổ dịch thuộc nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng vừa tạm khống chế, thành phố lại bùng phát các ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây, phát hiện thông qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Theo ngành y tế, giãn cách hai tuần là cần thiết để khoanh vùng, giải quyết căn cơ các điểm lây nhiễm.
Từ 0h đêm nay, toàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc thuộc Quận 12 sẽ dỡ toàn bộ chốt kiểm soát dịch sau nửa tháng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Các địa bàn này hạ mức độ, xuống giãn cách cùng với các quận huyện khác.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh song vẫn còn nhiều lo ngại. Hơn nửa triệu người liên quan đến các ca nhiễm, số lượng F1, F2 đang cách ly ngày càng nhiều. Bệnh nhân nặng tăng dần trong khi năng lực cấp cứu có hạn, một số bệnh viện đã hết công suất.
Giãn cách xã hội thêm hai tuần, đồng nghĩa hơn 83.300 sĩ tử TP HCM có thể tiếp tục trễ hẹn với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dự kiến diễn ra vào 25/6. Lần thứ hai kỳ thi lùi lịch so với kế hoạch ban đầu tổ chức vào đầu tháng sáu. Hơn 700 em đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly. Hội đồng sao y đề thi có thể sẽ tiếp tục được "giải phóng", hủy bỏ đề thi và làm lại quy trình khi thành phố chốt lịch thi. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh THPT quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 7 - 9/7, sau khi hết giãn cách chỉ một tuần.
TP HCM đang đứng trước những thách thức lớn: Biện pháp nào để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi dần sản xuất và đưa cuộc sống của gần 9 triệu người về trạng thái bình thường mới.
Theo lãnh đạo thành phố, mỗi tuần chính quyền sẽ đánh giá lại mức độ kiểm soát dịch để quyết định tăng hay giảm cấp độ, hoặc giữ nguyên với từng địa bàn. Những nơi nguy cơ cao có thể áp dụng Chỉ thị 16+; nơi kiểm soát tốt tình hình sẽ nới lỏng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 19. Cùng lúc áp dụng nhiều biện pháp nên các địa bàn phải hiệp đồng chặt chẽ để hạn chế tối đa thiệt hại không cần thiết.
Thành trì chống dịch của ngành y phía Nam - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương TP HCM, bị Covid-19 chọc thủng trở thành bài học sâu sắc. Các đơn vị phải xem lại việc kiểm soát trụ sở bởi để dịch xâm nhập khiến cơ quan hành chính tê liệt. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các lực lượng chi viện cho bệnh viện cấp tốc lấy mẫu xét nghiệm, trong thời gian sớm nhất chặt đứt nguồn lây nhiễm tại đây.
Lần thứ hai trong hơn một năm phải giãn cách, cách ly vì đại dịch, Sài Gòn hào hiệp lại đùm bọc nhau đi qua những ngày khốn khó. Từng lọ đồ ăn được chuyển đến các chốt chống dịch, tiếp sức cho tuyến đầu với lời nhắn nhủ "Covid rồi sẽ qua, bình yên sẽ quay lại. Cảm ơn vì đã kiên cường". Nhiều chủ nhà trọ lặng lẽ dán thông báo "giảm 50% tiền trọ tháng 6" trước cửa từng phòng. Trong các con hẻm chằng chịt dây cách ly, người mua thùng mì, góp cân gạo tặng thêm cho người thuê trọ.
"Tôi cũng chỉ là dân buôn bán ở chợ, không khá giả. Nhưng người thuê trọ khó khăn, trong khi mình còn xoay sở được thì phải giúp họ", chị Châu, chủ nhà trọ trong một con hẻm trên đường Bình Quới, nói.
Trái ngược với miền Nam, Covid - 19 ở phía Bắc đang giảm nhiệt từng ngày khi Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội đã khống chế được dịch. Bắc Giang ghi nhận 4.166 ca, nhiều nhất cả nước song ca mắc mỗi ngày giảm rõ rệt. Các ca nhiễm mới chủ yếu trong vùng cách ly, phong tỏa từ trước. Tỉnh phấn đấu dập dịch trong một tuần nữa.
Bắc Ninh lên phương án giảm mức độ giãn cách, dỡ bỏ cách ly một số nơi. Dù thị xã Từ Sơn ghi nhận một số ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, song tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát.
Đáng lo ngại nhất tại Hà Nội hiện là chuỗi lây nhiễm của tiểu thương huyện Đông Anh. Sau một tuần phát hiện, số ca nhiễm đã tăng lên 18. Song ngành y tế Hà Nội khẳng định chùm ca bệnh đã được kiểm soát, khoanh vùng và lấy mẫu F1. Thành phố đang xem xét nới lỏng một số hoạt động sau thời gian tạm ngừng để chống dịch.
Bộ Y tế ngày 14/6 công bố tổng cộng 266 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc đợt dịch này lên 7.599. Ngày thứ ba liên tiếp, dịch trên đà tăng tốc trở lại với 121 ca mắc mới ở Bắc Giang, TP HCM 82 ca, Hà Tĩnh 22 ca...