Tăng cường kiểm tra giám sát thực phẩm có nguy cơ
Thực hiện việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cao độ các nguồn lực, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm rộng khắp trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các quy định an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã đẩy mạnh việc hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao, như thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, các cơ sở sản xuất đá, cơ sở thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể...
Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đơn cử, tại quận Ba Đình, 100% cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra từ quận đến phường được tham gia tập huấn đầy đủ về an toàn thực phẩm; hơn 90% cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được tập huấn, phổ biến thức về an toàn thực phẩm...
Một buổi tập huấn hướng dẫn giám sát bữa cỗ tập trung đông người tại Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên. |
Mô hình hay giúp kiểm soát an toàn thực phẩm đi vào quỹ đạo
Hưởng ứng phong trào thi đua An toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 do UBND TP Hà Nội phát động, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân ở Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, Thành phố đã xây dựng và tổ chức hiệu quả nhiều mô hình gồm: “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người”; “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”; “An toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố"...
Chính những mô hình sáng tạo nói trên đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian qua dần đi vào quỹ đạo, từng bước đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội chỉ xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 371 người mắc, không có ca tử vong. Điểm nổi bật là không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, liên quan đến các bữa cỗ tập trung đông người. Kết quả kiểm tra các tiêu chí an toàn thực phẩm đối với 29.655 cơ sở dịch vụ ăn uống luôn đạt 80%-98,8%.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên Tiêu Ngọc Chiến chia sẻ, năm 2016, Phú Xuyên là một trong hai huyện đầu tiên của Hà Nội được chọn để triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Từ 5 xã đầu tiên, đến nay trên địa bàn huyện đã có 20/27 xã, thị trấn triển khai mô hình này. Trước đây, Phú Xuyên từng xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại bữa cỗ tập trung đông người. Sau 5 năm triển khai, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào. Tới đây, huyện sẽ nhân rộng mô hình này.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá những mô hình kể trên đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm dần đi vào quỹ đạo, hướng đến “xây” thực phẩm sạch và “chống” thực phẩm bẩn. Thực tế, lãnh đạo chính quyền địa phương và cán bộ thanh tra về thực phẩm là người nắm rõ nhất nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt để có biện pháp nhân rộng mô hình hay, đồng thời chấn chỉnh kịp thời vi phạm.