Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. |
Theo đó, khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc có diện tích 9,22ha. Phía Đông giáp khu ký túc xá sinh viên số 5, phía Tây giáp trường Đại học Khoa học Công nghệ, phía Nam là đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, phía Bắc giáp trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội.
Quy mô đào tạo dự kiến đến năm 2020 là 2.100 sinh viên, năm 2025 là 4.030 sinh viên và năm 2030 là 6.000 sinh viên.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc; các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật chủ yếu về sử dụng đất, hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật, các yêu cầu về không gian, kiến trúc, kiểm soát kiến trúc, cảnh quan...
Bên cạnh đó, xây dựng trường Đại học Quốc tế hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan hài hòa cảnh quan chung của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Đây là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức, tiên phong theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đạt chuẩn kiểm định quốc tế, trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế.
Bộ Xây dựng giao ĐHQG Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức việc lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc.
Theo đề án quy hoạch tổng thể Đại học Quốc gia Hà Nội tại Quyết định 1907QĐ-TT ngày 18/10/2013, trên khu đất 1.000ha sẽ có 8 đại học, 5 khoa trực thuộc, 5 viện, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các trung tâm nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ. Toàn bộ cơ sở của Đại học Quốc gia Hà Nội ở nội thành được dời lên Hòa Lạc. Dự án được khởi công vào tháng 12/2003 với tổng vốn đầu tư ước tính là 7.320 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm khởi công, dự án Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc mới chỉ hoàn thành được một vài hạng mục. Theo ông Hoàng Đức Thắng - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi với báo chí dự án bị chậm tiến độ là do hai nguyên nhân chính. Một là, công tác GPMB, xây dựng khu tái định cư còn chưa đáp ứng được tiến độ, kế hoạch đã đề ra do còn mắc một số chế độ chính sách. Hai là, nguồn vốn được cấp quá ít..