Mối đây, Hội Nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã đưa vào trồng khảo nghiệm giống lúa ST25 - giống lúa liên tiếp đạt các giải nhất, nhì trong cuộc thi "Gạo ngon thế giới" các năm 2019, 2020 tại Philippines và Mỹ, ở vụ Xuân năm 2021 bước đầu cho thấy giống lúa này phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, kỹ thuật thâm canh của nông dân trên địa bàn huyện.
Cụ thể, vụ Xuân năm 2021, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với Công ty Hoàng Giang, Công ty Phân bón lá A2 xây dựng mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao ST25 tại xã Thọ An, với diện tích 1.800m2.
Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ để sản xuất. Ngoài ra, hội nông dân huyện còn xây dựng quy trình, sổ nhật ký để hướng dẫn nông dân chăm sóc cho cây lúa từ khâu ngâm ủ giống, gieo trồng đến khi thu hoạch.
Ông Trần Văn Chính, hội viên Hội Nông dân xã Thọ An, hộ tham gia trồng khảo nghiệm giống lúa ST25 cho biết, giống lúa này rất phù hợp với điều kiện địa thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương.
Tỷ lệ nảy mầm cao đạt trên 94,3%; giai đoạn mạ cây con đanh rảnh, sạch bệnh và chịu rét tốt; lúa phát triển khỏe và đẻ nhánh tập trung; giai đoạn phân hoá đòng có lá đòng đứng, long mo và sạch bệnh.
Giống có kiểu hình gọn, góc lá đòng đứng, bản lá to trung bình, trỗ thoát, nòng mo nhỏ, bộ lá đòng xanh cho đến khi thu hoạch ST25 hạt nhỏ, thon dài. Số bông hữu hiệu/khóm cao, năng suất cao.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, giống lúa ST25 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn các giống lúa đối chứng như J01, Bắc thơm 7, 9 và Khang dân 18.
Tính chống chịu với điều kiện ngoại cảnh khá; giống lúa này có tiềm năng, năng suất trung bình từ 60-70 tạ/ha. Một trong những ưu điểm nhất của giống lúa này là hạt gạo dài trắng trong, cơm ăn ngon, đậm và mềm.
Hiện giá gạo ST25 cũng cao gấp đôi so với các giống gạo truyền thống ở địa phương và thị trường rất tiềm năng.
Với những kết quả đạt được qua quá trình trồng khảo nghiệm giống lúa ST25 nêu trên, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng đề nghị chính quyền hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn sản xuất trên diện rộng để tăng hiệu quả canh tác.
Với định hướng phát triển nông nghiệp tại địa phương theo hướng bền vững, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, an toàn theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng hướng nông dân sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ, có như vậy sản phẩm sản xuất ra mới có giá trị cao và dễ tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, cho biết để giúp bà con nông dân tiếp cận với những giống lúa mới, giống cao sản có tiềm năng năng suất cao, hội nông dân huyện thường xuyên phối hợp các ngành chức năng, các vụ, viện, công ty, trung tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp có chương trình hợp tác với những đơn vị cung ứng giống nhằm tìm ra giống lúa thích nghi với điều kiện địa phương, cho năng suất, chất lượng tốt để phục vụ cho nhu cầu của thị trường hiện nay./.