Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Thành phố Hà Nội vào sáng 24/6.
Đảm bảo an toàn cho 188 điểm thi
Theo Ban chỉ đạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn thành phố có 101.326 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, có 90.658 thí sinh THPT và 10.668 hệ Giáo dục Thường xuyên, tăng 22.063 thí sinh so với năm 2020; được bố trí 4.235 phòng thi tại 188 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Sở GD&ĐT đã điều động 14.917 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, gồm có: 13.019 coi thi, 1.898 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi; 01 cán bộ thanh tra Ban in sao đề thi, 530 cán bộ giáo viên làm nhiệm thanh tra công tác coi thi; 778 cán bộ, giáo viên nhân viên tham gia công tác chấm thi; 30 cán bộ giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi.
Do tình hình dịch bệnh, tại mỗi điểm thi đều được tăng cường các điều kiện an toàn, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch, bảo đảm yêu cầu mỗi điểm thi có 5 cán bộ y tế, 2 phòng thi dự phòng, 1 phòng cách ly, 5 cán bộ coi thi dự phòng…
Kỳ thi năm nay cũng được chia thành 2 đợt. Đợt I (ngày 07-08/7/2021) dành cho các đối tượng thí sinh không ở nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội và các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của y tế.
Thi đợt II, Bộ GD&ĐT sẽ thông báo sau. Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có 4 thí sinh trong diện F0, 1 thí sinh diện F1, 6 thí sinh diện F2 và 20 thí sinh thuộc diện phong tỏa.
An toàn phòng dịch đặt lên hàng đầu
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Thành phố nhận định, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 dù có những điều chỉnh, song đã được tổ chức thành công, được dư luận xã hội đánh giá tốt.
Thời gian tới, thành phố có thể tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, các đơn vị, địa phương cần lưu ý rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm an toàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội.
Tại cuộc họp, các sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Thành đoàn Hà Nội, Công an, Điện lực… báo cáo tiếp tục chuẩn bị tốt công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ thi; phân luồng giao thông tại các điểm thi; phân công lực lượng, tình nguyện viên trong và ngoài các điểm thi; đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi từ in sao đề thi, vận chuyển đề thi, an toàn điểm thi, phòng chống gian lận bằng các hình thức công nghệ cao; lên các phương án đảm bảo nguồn điện xuyên suốt thời gian thi…
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tại thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khác với thời điểm kỳ thi vào lớp 10 THPT, khi mà các hoạt động dần được nới lỏng.
Do đó, việc vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cần được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị cần quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm quanh khu vực thi; tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức phòng, chống dịch của thí sinh, phụ huynh học sinh và cán bộ làm thi...
Không để cán bộ coi thi phải đi quá xa
Theo ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội), kỳ thi này có thêm các thí sinh tự do, vì vậy, cần nắm chắc các đối tượng dự thi, danh sách thí sinh trong diện "F".
Do kỳ thi diễn ra vào ngày thường, cần tập trung đến phương án đón thí sinh vào đầu giờ thi phù hợp để không gây ùn tắc giao thông tại điểm thi. Các phòng thi đảm bảo giãn cách tối đa giữa các thí sinh và phun khử khuẩn sau mỗi buổi thi…
Đồng chí Chử Xuân Dũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành. Trong đó, Sở GD&ĐT tổ chức phổ biến quy chế thi, các quy định phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, bảo đảm tất cả các thành viên tham gia kỳ thi đều thực hiện nghiêm túc, hạn chế tối đa hiện tượng vi phạm quy chế.
Đặc biệt, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát lại tất cả các khâu để có điều chỉnh phù hợp sao cho tạo thuận lợi cho thí sinh; điều động cán bộ, giáo viên coi thi bảo đảm đúng quy định song hạn chế hiện tượng phải đi coi thi quá xa…