<div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="Hà Nội: Tập trung giải pháp nâng cao chất lượng không khí" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/22/img_5249.jpg" /> <figcaption>Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không khí</figcaption> </figure> </div> <p><span><span><span><span><span><span>Những năm gần đây, thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và dư luận. Trong đó, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí thường có xu hướng tăng vào các tuần cuối năm, vào những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi; giảm vào tuần nghỉ lễ, Tết và những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Ngoài ra, sự quan tâm của người dân đối với tình hình không khí còn diễn ra trong bối cảnh các công trường xây dựng, khu công nghiệp, phương tiện ô tô, xe máy... tăng lên đột biến tác động ngược trở lại môi trường không khí. Trong đó, nồng độ bụi thường tăng cao tập trung vào các trục đường giao thông nơi có mật độ dày đặc các lượt phương tiện đi qua.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nôi cho biết: Một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí giảm đi, là do điều kiện khí tượng bất lợi. Trong 3 tháng đầu năm 2019, thành phố chịu tác động của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao.</span></span></span></span></span></span></p> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/22/anh-21(1).jpg" /> <figcaption>Thủ đô đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng thêm trong thời gian tới</figcaption> </figure> </div> <p><span><span><span><span><span><span>Đặc biệt, vào thời điểm những ngày cuối tuần, đầu tuần, nhu cầu người dân đi lại nhiều nên lượng phương tiện tham gia giao thông có xu hướng tăng lên, tốc độ lưu thông giảm, gây ùn tắc giao thông trên nhiều khu vực của thành phố. Cùng với đó, các gia đình có xu hướng đốt nhiều vàng mã; các hoạt động đốt rác thải phổ biến tại nhiều nơi... Những yếu tố này đã làm cho không khí Hà Nội luôn bị tích tụ chất ô nhiễm, khó có thể phát thải, pha loãng.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Chia sẻ về các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô, ông Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Năm 2017, Sở được UBND thành phố giao tiếp nhận và quản lý 10 Trạm quan trắc không khí tự động, liên tục. Từ đó, chất lượng không khí được theo dõi tự động, liên tục, báo cáo UBND thành phố và công bố kết quả quan trắc hằng ngày trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các tổ chức theo dõi.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Tính đến nay, thành phố đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông; tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ.</span></span></span></span></span></span></p> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, " src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/22/c1_2.jpg" /> <figcaption>Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động nhằm thông tin kịp thời về tình hình không khí trên địa bàn</figcaption> </figure> </div> <p><span><span><span><span><span><span>Đối với các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường. Xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C. Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại hạn chế ô nhiễm bụi. Đẩy mạnh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến để thay thế phương pháp chôn lấp.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí. Từ đó, kết hợp với công tác điều tra, kiểm kê các nguồn thải, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá phân tích, xác định các tác nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, xu hướng diễn biến ô nhiễm... để xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa ra những cơ chế, chính sách kịp thời và chính xác nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí của thành phố.</span></span></span></span></span></span></p>