Tử vong vì SXH do sợ lây nhiễm Covid-19
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng 3 tuần gần đây số ca SXH tăng cao và có các ổ dịch diễn biến phức tạp, bao gồm xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ (182 ca), xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (48 ca) và xã Thanh Thùy huyện Thanh Oai (44 ca)... Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, nếu không triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, dịch SXH sẽ có nguy cơ bùng phát trên toàn thành phố.
Riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) từ đầu năm tới nay tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Điều đáng lo ngại gần đây là nhiều người nguy kịch, thậm chí tử vong vì SXH do liên quan đến Covid-19.
Điển hình có 1 ca SXH (27 tuổi, ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 - 40 độ C, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến Covid-19. Tuy nhiên, khi làm xét nghiệm RT-PCR đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Xét nghiệm công thức máu và test SXH dương tính. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ SXH và sau 4 ngày đã ổn định.
Không may mắn như bệnh nhân trên, nam thanh niên 17 tuổi được chẩn đoán mắc SXH nhưng gia đình không đưa vào viện điều trị vì sợ lây Covid-19, mà ở nhà truyền dịch. Khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, sau khi được cấp cứu, ép tim, tim đã đập trở lại. Ngay sau đó, bệnh nhân tiếp tục ngừng tim lần 2, tiếp tục được cấp cứu và đặt ECMO. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong sau 2 ngày vào viện do suy đa tạng.
Biểu hiện giống nhau dễ chẩn đoán nhầm
PGS.TS Đỗ Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau mỏi người. SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.
SXH nếu phát hiện sớm rất dễ điều trị, chỉ cần hạ sốt, truyền dịch và bổ sung vitamin là khỏi. Nhưng nếu có các biến chứng, điều trị sẽ rất khó khăn phức tạp. Vì vậy, để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm, những người bị sốt cao 39 độ C (đặc biệt là những người trong vùng có dịch) cần đi khám ngay để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Thông thường, trong 10 trường hợp bị SXH, chỉ một đến 3 trường hợp trở nặng (có biến chứng) mới phải nhập viện, còn lại được theo dõi điều trị tại nhà.
Các chuyên gia cảnh báo, dù có sốt cao cũng tuyệt đối không được tự ý tăng liều, tăng số lần thuốc giảm sốt vì quá liều dễ gây tổn hại gan, ngộ độc. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh nặng kéo dài, phù nề, suy tim. Cần đặc biệt chú ý ngay cả khi hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6), bệnh có thể trở nặng và sốc (người lừ đừ, đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, tiểu ít, xuất huyết chân răng, nôn ra máu và đi tiêu phân đen) dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.