Hà Nội: Siết chặt quản lý chất lượng hàng nông sản

Trước tình trạng vi phạm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp vẫn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, khiến người tiêu dùng lo lắng, đòi hỏi cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý.

Quản lý tăng cường vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm

Công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã được tăng cường và có chuyển biến. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về chất lượng nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều.

Trong 9 tháng năm 2023, các đơn vị của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra 140 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện 13 cơ sở vi phạm và xử phạt với số tiền hơn 165 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang...

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng chỉ đạo tổ chức kiểm tra 420 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản, qua đó phát hiện 109 cơ sở vi phạm, xử phạt 284 triệu đồng. Một số quận, huyện làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, là: Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Mê Linh...

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra an toàn thực phẩm tại quận Hà ĐôngĐoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra an toàn thực phẩm tại quận Hà Đông

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng vi phạm trên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho đến tiêu dùng vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện.

Vì vậy, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến.

Ngoài ra, giá nông sản bấp bênh, chưa liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, nên đầu ra không ổn định, thiếu bền vững, khiến cho người dân chưa quan tâm tới xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, mặc dù thành phố đã phân cấp trong quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm, công tác này ở các địa phương cũng đã bắt đầu đi vào nền nếp, nhưng việc thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Nhiều địa phương chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, không bảo đảm tính răn đe và thực thi pháp luật nghiêm minh. Hơn nữa, các địa phương cũng chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công.

Xây dựng điểm tiêu thụ nông sản an toàn và tăng cường kiểm soát tại nơi sản xuất

Từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân có thể tăng hơn 20% so với các tháng thông thường, nên cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản bán trên thị trường.

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, ngành Nông nghiệp đã và sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng chuỗi liên kết kiểm soát chất lượng nông sản...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, cùng với việc tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường, Ứng Hòa tập trung nguồn lực xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Trong đó có việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với thương hiệu gạo chất lượng cao Khu Cháy (lúa J02); hình thành vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung tại các xã: Trung Tú, Phương Tú, Hòa Lâm, Trầm Lộng... Phát triển các mô hình rau màu, dưa lưới trong nhà kính, chăn nuôi lợn ở xã Vạn Thái, nuôi gà ở xã Sơn Công, Trang trại bò 3B tại xã Viên Nội...

Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Ba Đình Ngô Minh Tuấn, quận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về kiến thức an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển 12 điểm kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn, 14 nhóm tiêu dùng thực phẩm an toàn trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân tiếp cận và sử dụng nông sản thực phẩm an toàn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Các chuỗi liên kết góp phần mang đến nguồn cung nông sản, thực phẩm dồi dào và an toàn chất lượngCác chuỗi liên kết góp phần mang đến nguồn cung nông sản, thực phẩm dồi dào và an toàn chất lượng

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương mở những lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý cho cán bộ làm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm ở xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và phối hợp tốt với các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm với những cách làm mới, hiệu quả hơn cũng sẽ được Sở chú trọng để thu hút sự quan tâm, hành động của chính quyền địa phương và cộng đồng đối với vấn đề an toàn thực phẩm.

Trước mắt, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp được sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, lưu thông trên thị trường. Chú trọng kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng, như: Lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ...

Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Mặt khác, tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm, giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tự công bố chất lượng; sản phẩm có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện các nông sản, thực phẩm không an toàn.

Ngoài ra, các địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp thẩm định, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký.

Về lâu dài, các địa phương cũng cần xây dựng, triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chiều sâu và chiều rộng, nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thực phẩm, hướng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo Đời sống
back to top