Hà Nội sẽ trình Thủ tướng điều chỉnh đầu tư dự án kết nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Vành đai 3

Thành phố Hà Nội vừa thống nhất chủ trương điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Tuy nhiên, do dự án này có sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thuộc dự án nhóm A, nên sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh.

Trước đó, tháng 7/2021, Văn phòng Chính phủ truyền đại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ KHĐT chủ trì cùng các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.535 tỷ đồng.

Theo phê duyệt chỉ giới đường đỏ, tuyến đường có chiều dài khoảng 3,8km, có điểm đầu giao với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (nút giao Tứ Hiệp), điểm cuối giao với đường Vành đai 3, thuộc địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

Đường sẽ rộng 60m, gồm dải phân cách trung tâm 3m, 2 lòng đường chính mỗi bên rộng 10,5m (6 làn xe), 2 dải an toàn rộng 0,5m. Đường gom hai bên mỗi bên rộng 7m, 2 dải phân cách mỗi bên rộng 2,5m và vỉa hè hai bên mỗi bên rộng 8m.

Tại các đoạn tuyến đường giao với đường vào cảng Khuyến Lương và đoạn đấu nối với đường Vành đai 3, thành phần lòng đường chính được bố trí trên cầu cạn với quy mô 17,5m, thành phần đường bên dưới gồm: Lòng đường 2 bên mỗi bên rộng 10,5m (6 làn xe), 2 dải an toàn rộng 0,5m; 2 dải phân cách lòng đường với cầu cạn rộng 2,25m; vỉa hè hai bên mỗi bên rộng 8m.

Tuyến đường có 2 nút giao thông chính, gồm: Nút giao Tứ Hiệp (giao với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ) xây dựng dạng bán hoa thị theo chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020 và nút giao với đường Vành đai 3.

Những ngày lễ, Tết, các phương tiện đổ dồn về Hà Nội, ùn tắc nghiêm trọng luôn xảy ra tại nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3.

Việc triển khai tuyến đường này sẽ từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông khung của Thủ đô, tạo thêm tuyến đường kết nối, giảm tải lưu lượng cho Vành đai 3 và các trục đường hướng tâm vào thành phố.

Theo Đời sống
back to top