Ô nhiễm hóa chất tăng cao
Thông tin từ Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Việt Nam - Media Climate Net cho hay, theo phỏng vấn của Media climate Net với TS Johannes Flemming, nhà nghiên cứu của Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus châu Âu (CAMS) thì qua các số liệu quan trắc, đo đạc, có thể thấy khu vực xung quanh Hà Nội đang có một nguồn ô nhiễm không khí đáng kể, đồng thời các chất gây ô nhiễm di chuyển tầm xa cũng góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội trong suốt những ngày vừa qua.
Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus đã tiến hành quan sát ô nhiễm không khí trên toàn cầu từ vệ tinh và dự báo chất lượng không khí toàn cầu kể từ 2003. Để xác định nguồn gây ô nhiễm không khí, CAMS sử dụng dữ liệu các trạm đo mặt đất, dữ liệu từ vệ tinh. Qua đó có thể biết sự có mặt của từng chất trong không khí ô nhiễm. Biểu đồ các chất gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thời gian qua cho thấy không chỉ có bụi mịn mà còn có nhiều chất hóa học khác. Đầu tiên là NO2, được xác định chủ yếu được phát ra bởi giao thông, sản xuất điện và công nghiệp. SO2 chủ yếu được do phát thải từ các ngành công nghiệp như giao thông, xe cộ. Ngoài ra có CH4 và CO, formandehyde đều ở hàm lượng cao. Theo các tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế thế giới WHO, các chất này được sinh ra phần lớn do hoạt động đốt nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí tự nhiên) trong công nghiệp, sản xuất điện và giao thông.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, Hà Nội hiện tồn tại một số phương tiện giao thông, máy móc cũ, hỏng, lâu năm không được sữa chữa, bảo dưỡng, nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, khí thải cũng từ đó mà tăng cao.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, hiện đã xác định 12 nguồn gây ô nhiễm không khí. Đầu tiên liên quan đến chất thải của các nhà máy xung quanh Hà Nội như Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Nguồn thải từ xe máy, ô tô. Hà Nội có 6,1 triệu xe máy, 750.000 ôtô. Nguồn liên quan đến các xe chở chất thải, phế thải, chở rác, cát sỏi. Tiếp đến là bụi bẩn từ quá trình xây dựng các công trình do quản lý không tốt, không che chắn đúng quy định...
Bụi mịn nguy hiểm hơn bụi siêu mịn
Khi nói đến ô nhiễm không khí, chỉ số PM được dùng để đề cập đến các hạt có đường kính nhỏ hơn 10μm (PM10) và nhỏ hơn 2,5 μm (PM2.5). Những hạt này thường được gọi chung là bụi mịn, bụi siêu mịn. Lưu ý 1μm là kích thước của các vi khuẩn và nhỏ bằng 1/10 kích thước của một tế bào trong cơ thể người. Bụi siêu mịn dễ dàng chui vào các tế bào trong cơ thể và rất khó đào thải. Tổng cục Môi trường cho biết nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn 2-3 lần, chạm ngưỡng rất xấu. Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên hoạt động ở ngoài trời.
Theo chuyên gia Đào Nhật Đình, tư vấn độc lập của các dự án môi trường phi chính phủ, bụi gây ra sự ô nhiễm ở Hà Nội là bụi mịn PM2.5. Đây là bụi chúng ta lo lắng vì nó có tuổi thọ dài hơn bụi siêu mịn PM0.1. Bụi siêu mịn có thể không cần mưa, không cần sương mù vẫn tự tan biến sau 5 ngày, bụi mịn tồn tại được mấy tuần nếu không mưa hay sương. Nguyên nhân sinh ra bụi có rất nhiều như từ xây dựng, than xăng đốt, dòng đối lưu toàn cầu mang từ xa tới. Bụi được lưu giữ chủ yếu ở các bề mặt và các khe nhỏ, trên và trong các đồ dùng, nhà cửa, quần áo... chúng ta gọi là các vi vùng. Diện tích bề mặt vi vùng của Hà Nội rất lớn, gấp nhiều trăm nghìn lần diện tích bề mặt thành phố. Đó là một trong những lý do khiến ô nhiễm tăng rất cao mỗi khi có hiện tượng nghịch nhiệt.
Theo ông Đào Nhật Đình, bản chất của bụi mịn và siêu mịn tại nội thành Hà Nội là hệ lụy của hoạt động của con người. Nguyên nhân sinh ra ổ bụi này có thể là do thành phố quá lớn tạo thành ổ nhiệt dư, cao hơn các vùng xung quanh chừng 5 độ C. Nhiệt độ cao khiến cho dòng không khí bốc lên rồi gặp lạnh bị cuộn trở xuống tạo thành vòng xoáy địa phương, tạm gọi là dòng đối lưu khu vực. Dòng đối lưu khu vực có thể có bán kính vài trăm kilomet và chiều cao có thể lên tới khoảng 100m. Theo thời gian nhiều chục năm, dòng đối lưu khu vực sẽ đưa bụi khắp mọi nơi từ ngoại vi về trung tâm thành phố và được giữ lại ở các vi vùng. Điều kiện hoàn nguyên số bụi này để máy đo nhận ra mức ô nhiễm bụi là khi thành phố không có gió, nhiệt độ cao, không khí khô hanh độ ẩm thấp.
Cũng như các đợt ô nhiễm không khí khác, đợt ô nhiễm không khí nặng nề này sẽ chỉ kết thúc khi có một đợt mưa, mang hơi ẩm vào khí quyển. TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp cấp bách để làm giảm mức độ ô nhiễm không khí, đó là kiểm tra, xử lý triệt để các điểm đốt chất thải, rác không đúng quy định; kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về bụi ở các công trình xây dựng; phun rửa đường để làm giảm bớt nguồn bụi phát tán trong không khí. Đồng thời có thể xác định vùng hạn chế phương tiện giao thông, nhất là thời điểm cuối năm khi các phương tiện đổ dồn về thành phố, phân luồng các phương tiện để giảm bớt tình trạng ùn tắc.
PGS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, mỗi khi có ô nhiễm không khí, các cảnh báo lại được đưa ra, nhưng dường như Hà Nội đang bất lực, chưa có giải pháp cụ thể. Dường như chính quyền Hà Nội còn lúng túng. Các giải pháp cho vấn đề này thường phải kéo dài nhiều năm, với đủ nỗ lực từ nhiều ngành, nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Nhưng đáng tiếc là đến giờ vẫn chưa thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong việc này.
“Đây là vấn đề rất cấp bách, không khác gì nước sạch, điện. Không ai có thể dừng hít thở, trong khi ô nhiễm vẫn cứ ngày càng nghiêm trọng. Hy vọng các nhà quản lý tới đây sẽ thực sự quan tâm, có những giải pháp cụ thể, có tính khả thi, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng này”, PGS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.
Giải pháp không phải là điều khó. Theo PGS.TS Hoàng Xuân Cơ, có một giải pháp mà ai cũng biết, ai cũng nói nhưng chưa thấy ai làm đó làm hạn chế nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, công trình, hạ tầng đô thị... Đây là nguyên nhân chính khiến không khí Hà Nội trở nên tồi tệ trong những ngày lặng gió bởi các chất độc hại tích tụ và không được khuếch tán. Đây là bài toán lớn về quy hoạch, chính sách mà thành phố cần giải quyết.