<div> <p style="text-align: justify;">Tại cuộc họp báo của TP Hà Nội chiều nay, Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định cho hay, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc thường xuyên ô nhiễm bụi tăng cao tập trung vào mùa đông, mùa xuân và thời điểm giao mùa.</p> <table> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image " style="text-align: justify;"><img alt="Hà Nội ô nhiễm không khí, thải 1.870 tấn CO2 từ đốt hơn 500 tấn than/ngày" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/01/1(3).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc" style="text-align: justify;">Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định</td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Theo số liệu quan trắc của Sở TN&MT, từ ngày 13/9, chất lượng không khí ở Hà Nội tại nhiều thời điểm trong ngày kém, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Định thông tin, theo tiêu chuẩn, chất lượng không khí ở mức “kém” gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người về hô hấp.</p> <p style="text-align: justify;">“Vào thời điểm đó, nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế thời gian ra ngoài. Nếu phải ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ”, ông Định đưa ra cảnh báo.</p> <p style="text-align: justify;"><span>Hơn 700 nghìn ô tô, trên 5 triệu xe cá nhân</span></p> <p style="text-align: justify;">Ông Định đề cập đến 12 nguồn chính gây ra ô nhiễm môi trường không khí.</p> <p style="text-align: justify;">Cụ thể: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; phá dỡ các công trình xây dựng, xây dựng các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia xúc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.</p> <p style="text-align: justify;">Để cải thiện môi trường không khí, Thủ đô đã đưa ra 19 giải pháp. Trong đó, có tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải ô nhiễm môi trường.</p> <p style="text-align: justify;">Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang hoàn toàn bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao hồ; xây dựng kế hoạch vận động đến 31/12/2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong; triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện.</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình; triển khai “cánh đồng không đốt rơm rạ”; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân…</p> <p style="text-align: justify;">Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) thông tin thêm, số lượng than tổ ong mỗi ngày trên địa bàn TP sử dụng là 528 tấn, phát thải tương đương với 1.870 tấn khí CO2.</p> <table> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image " style="text-align: justify;"><img alt="Hà Nội ô nhiễm không khí, thải 1.870 tấn CO2 từ đốt hơn 500 tấn than/ngày" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/01/3(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc" style="text-align: justify;">Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Mai Trọng Thái </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Theo ông Thái, các công trình khi xây dựng hay phá dỡ đa số là bụi PM10 cũng ảnh hưởng đến môi trường. Rồi lượng phát thải từ các phương tiện giao thông.</p> <p style="text-align: justify;">“Theo thống kê của CSGT, tính đến quý 1 năm nay có trên 700 nghìn ô tô, trên 5 triệu xe cá nhân. Những ngày này, vào giờ cao điểm và buổi sáng, các phương tiện tham gia giao thông thì lượng phát thải ra cũng gây ô nhiễm”, ông Thái nhấn mạnh.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Thái thông tin, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 3/10, Hà Nội sẽ có thể xuất hiện mưa giông, nhờ đó sẽ cải thiện chất lượng không khí.</p> <p style="text-align: justify;"><span>Chuyển gần 2.000 tấn chất thải của Rạng Đông lên bãi rác Nam Sơn</span></p> <p style="text-align: justify;">Cập nhật tình hình xử lý môi trường sau vụ cháy công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Mai Trọng Thái cho biết, đến nay, trên 800 tấn chất thải, tro xỉ, bụi cháy và trên 1.000 tấn phế thải xây dựng, sắt thép đã được vận chuyển, thu gom.</p> <p style="text-align: justify;">Bộ Tư lệnh Hóa học đã hoàn thành việc tẩy độc khu vực 1 với diện tích 2.500 m2, dự kiến hoàn thành khu vực 2, khu vực 3 trước ngày 8/10.</p> <p style="text-align: justify;">Theo ông Thái, mọi xe chở chất thải đều được Viện Hoá học quân sự (Bộ Tư lệnh Hoá học) phun tẩy, phong toả trước khi đưa đi, đảm bảo không gây ra ô nhiễm.</p> <p style="text-align: justify;">Tất cả chất thải đều được đóng bao bì, theo đúng quy trình công nghệ, đảm bảo không làm phát tán ô nhiễm ở bãi rác Nam Sơn.</p> <p style="text-align: justify;">Tại nơi lưu giữ, Bộ Tư lệnh Hóa học và Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đã đến kiểm tra. Khu vực đổ chất thải trên đều được trải bạt với diện tích 600 m2; trải một lớp than hoạt tính, bột lưu huỳnh, sau đó đổ chất thải cao không quá 3m, lại rải 1 lớp than hoạt tính... rồi mới đổ lớp chất thải khác lên.</p> <p style="text-align: justify;">Việc đổ thải được lập nhật ký, giám sát hàng ngày và được xác nhận bởi Bộ Tư lệnh Hóa học, Urenco 10 và công ty Rạng Đông.</p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>