"Mạnh tay" mua hàng online
Sáng 22/8, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, tại các siêu thị lớn như Vinmart, Mega Market, Co.op mart…, hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, sau khi UBND TP Hà Nội tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9, lượng khách đến siêu thị chỉ đông hơn vài ngày trước, nguyên nhân là do ngày cuối tuần người dân mua đồ về cúng Rằm tháng Bảy. “Hiện nay, lượng đơn đặt hàng online tăng gấp 3 lần so với các ngày trước, nhưng siêu thị tăng tích trữ từ 3 - 5 lần, đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa”- bà Dung thông tin.
Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerc Nguyễn Thị Phương chia sẻ, tại hệ thống VinMart/Vinmart+, người dân đến trực tiếp mua sắm ổn định. Tuy nhiên, khách hàng đã “ mạnh tay” mua sắm, đặc biệt đơn hàng mua online tăng 50% so với trước, chủ yếu là các mặt hàng cúng Rằm tháng Bảy và dự trữ thực phẩm để hạn chế tới nơi đông người.
|
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại Big C (22/8) |
Tương tự tại chợ Nam Đồng, Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa) sáng 22/8 là ngày Rằm tháng Bảy nên lượng người đến chợ khá đông, nhưng thực phẩm, rau xanh dồi dào, không xẩy ra hiện tượng tăng giá. Theo đó, thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, thịt thăn, sườn non 160.000 đồng/kg, thịt bò tùy loại 260.000-350.000 đồng/kg, mặc dù là ngày Rằm tháng Bảy nhu cầu tiêu thụ gà lễ tăng cao nhưng giá gà lông vẫn giữ 120.000-140.000 đồng/kg. Để phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thẻ đi chợ, các điểm bán hàng đều được chăng dây đảm bảo giãn cách người mua và người bán.
Nói về việc dự trữ nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội luôn chủ động chuẩn bị nguồn cung để cân đối cung cầu, chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, dự trữ trong 3 tháng.
Khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh bị giảm khoảng 10- 15% do phải đóng cửa, Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong nội thành; một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra thẻ đi chợ tại chợ Nam Đồng ( 22/8) |
Nhiều hình thức phân phối linh hoạt
Thực tế cho thấy từ đầu tháng 8 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã phải đóng cửa 20 chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Để tránh tình trạng “đứt gẫy” chuỗi cung-cầu, ngành công thương Hà Nội và các siêu thị đã đa dạng hình thức phân phối trong tình hình mới.
Để phục vụ Nhân dân, Sở Công Thương niêm yết công khai 8.216 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, triển khai 36 điểm bán hàng lưu động. Hệ thống siêu thị cũng đa dạng các hình thức bán hàng như: Trực tuyến, bán hàng combo, đi chợ hộ... Đồng thời 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ Nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, đặc biệt 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus. Đại diện Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho biết, các điểm bán hàng lưu động bằng xe ô tô, xe bus sẽ tổ chức ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để công nhân không phải đi chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
|
Người tiêu dùng đi mua sắm tại điểm bán hàng lưu động do AEON tổ chức tại phường Thượng Đình ( Thanh Xuân) |
Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ Nhân dân khi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hơn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô. Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm bán hàng bằng xe buýt, xe ô tô. Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên Đàm Mạnh Tuấn cho biết, từ ngày 2/8, AEON Việt Nam bắt đầu triển khai 4 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Long Biên cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương.
“Siêu thị AEON Long Biên cam kết, giá bán của các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động luôn bằng giá bán tại siêu thị và sẽ được niêm yết cụ thể ngay tại điểm bán để người dân an tâm mua sắm. Siêu thị AEON Long Biên đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo về nguồn hàng và hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa được liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân quận Long Biên, Thanh Xuân cũng như Hà Nội ”- ông Đàm Mạnh Tuấn khẳng định.
Nhờ chủ động chuẩn bị, TP Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân nên sau 2 đợt giãn cách, không có hiện tượng đổ xô tích trữ hàng hóa, mọi hoạt động mua sắm hàng hóa đều diễn ra bình thường.
"Để đảm bảo kết nối nguồn cung hàng hóa cho TP Hà Nội, giảm tải lượng hàng về các chợ đầu mối, hoặc trường hợp chợ đầu mối tạm đóng cửa do dịch, UBND TP Hà Nội đã trưng dụng 5 địa điểm tại huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông và Trung tâm xúc tiến thương mại- Bộ NN &PTNT số 489 Hoàng Quốc Việt (Bắc Từ Liêm) làm nơi tập kết hàng hóa. Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa TP Hà Nội đã cấp mã nhận diện luồng xanh cho 2.200 ô tô, trên 9.000 xe máy và 14.000 shiper được cấp mã vận chuyển hàng hóa." - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |