<div> <div> <p>Trong thông báo “làm rõ thông tin việc xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch ảnh hưởng đến việc thử nghiệm làm sạch sông bằng công nghệ nano-bioreactor” của UBND TP.Hà Nội chiều 23.7, đại diện UBND TP cho rằng, việc xả nước hồ Tây “không phải việc làm cá biệt”, để tránh úng ngập cho TP và việc thử nghiệm là “do nhà đầu tư đề xuất”.</p> <p>Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của UBND TP.Hà Nội sau khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc TP xả nước cuốn trôi thành quả của việc thí điểm làm sạch một đoạn nước sông Tô Lịch của các chuyên gia Nhật Bản. </p> <p>Ngày 16.7, tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, cho biết đơn vị đã gửi công văn tới Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND TP.Hà Nội đề nghị lùi thời hạn kết thúc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đến 17.9.</p> <p>Theo đó, bước đầu dự án đã cho kết quả khả quan, nhưng ngày 9.7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch, nên "toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong vòng gần 2 tháng đã bị cuốn trôi".</p> <p>Phản hồi các thông tin này, UBND TP.Hà Nội cho biết, khi đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty CP đầu tư môi trường Nhật Việt (gọi tắt là JVE) thử nghiệm làm sạch nước sông, Hà Nội đã lưu ý đặc thù nước thải Hà Nội, sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục, là chủ lưu thoát nước chính của TP khi có mưa và xả nước điều tiết hồ Tây khi có nguy cơ úng ngập.</p> <p>Về lý do xả nước hồ Tây, UBND Hà Nội dẫn báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ngày 9.7 dự báo 3 - 5 ngày sau sẽ có mưa, cường độ 40 - 50 mm, trong khi hiện trạng nước hồ Tây là 5,96 m, đang vượt 0,26 - 0,36 m so với mực nước khống chế đã được chấp thuận (5,6 -5,7 m).</p> <p>Do đảm bảo khả năng điều hòa nên mưa ngày 15.7, lưu vực hồ Tây không xảy ra úng ngập, theo báo cáo của Hà Nội. Việc xả, hạ mực nước hồ Tây về mực nước quy định của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với quy trình vận hành và phương án chống úng ngập của TP từ trước tới nay.</p> <p>UBND TP này cũng cho biết, khi làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị của TP ngày 22.7, "JVE khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm".</p> <p>Vào lúc 9 giờ 15 phút và 9 giờ 30 phút ngày 9.7, một cán bộ Công ty TNHH MVT thoát nước Hà Nội tên là Võ Kim Oanh cũng đã gọi điện thông báo cho cán bộ phụ trách kỹ thuật của JVE về việc xả nước, điều tiết mực nước hồ Tây để chống ngập.</p> <p>Cũng tại buổi làm việc ngày 22.7, các đơn vị (của TP) và JVE đã đánh giá, trong thời gian vận hành thử nghiệm, do thời gian chuẩn bị ngắn (1 tuần) nên JVE chưa khảo sát kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu tốc… trên sông Tô Lịch, không tham khảo hướng dẫn vận hành hệ thống thoát nước của dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.</p> <p>Việc thử nghiệm trong mùa mưa của năm cũng được đánh giá là không phù hợp, phương án thử nghiệm chưa tính đến việc có dòng chảy lớn khi có mưa hoặc xả nước hồ Tây.</p> <p>Tuy nhiên, phía JVE có đề nghị được thông báo sớm hơn về thời điểm xả nước hồ Tây để có chuẩn bị kỹ hơn.</p> <p>Tại phần cuối của thông báo, Hà Nội kết luận: việc xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch là “công tác vận hành thường xuyên từ trước đến nay, tuân thủ đúng quy định để đảm bảo thoát nước mùa mưa, chống úng ngập, không phải việc làm cá biệt”.</p> <p>“Việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreactor do nhà đầu tư đề xuất”, Hà Nội thông báo, và cho rằng thực tế khi xả nước từ hồ Tây tạo dòng chảy làm ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật của thử nghiệm cho thấy, công nghệ áp dụng cho việc làm sạch nước sông chảy liên tục với lưu tốc lớn cần phải nghiên cứ đánh giá kỹ lưỡng. UBND TP sẽ chỉ đạo các sở ngành xem xét sau khi các đơn vị báo cáo kết quả thử nghiệm.</p> </div> </div>