Khó huy động nguồn lực của các địa phương
Theo quy hoạch, tuyến đường vành đai 4 đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 3 tỉnh, thành phố. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối là km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Quy hoạch đường vành đai 4 sẽ gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị. Mặt đường rộng từ 90 - 135m. Tổng chiều dài khoảng 98km, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 56km; đoạn qua Hưng Yên trên 20km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21km.
Toàn tuyến vành đai 4 có nhu cầu vốn đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng. Phần kinh phí này không bao gồm kinh phí xây dựng các cầu vượt trực thông của các tuyến đường đang lập quy hoạch và sẽ được đầu tư xây dựng theo nguồn vốn của dự án này.
Bản đồ quy hoạch đường Vành Đai 4 Hà Nội. |
Đường vành đai 4, vùng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, cụ thể hóa quy hoạch vùng, liên kết các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị vệ tinh. Dự án này được dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai
Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định giao Ban quản lý dự án 2 tiến hành tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội. Thời gian thực hiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là từ năm 2020 - 2022.
Nguồn vốn đầu tư được xác định từ vốn ngân sách nhà nước, ODA, từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua. Các tuyến vành đai được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương. UBND các tỉnh/thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP.
Mới đây, Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, qua rà soát tiến độ đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến vành đai 4, qua địa bàn thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được tiến độ.
Nguyên nhân việc triển khai chậm, theo Bộ GTVT do quy mô quy hoạch các tuyến là khá lớn, trải dài đi qua nhiều địa bàn, trong khi khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn.
Cùng với đó, tổng mức đầu tư lớn dẫn đến ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện. Việc kêu gọi đầu tư với kinh phí lớn là rất khó khăn, và việc áp dụng hình thức đầu tư PPP vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Điều kiện thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội kiến nghị có cơ chế đặc thù để gọi vốn
Do dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 chậm triển khai, quy hoạch hướng tuyến đi qua tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thay đổi khi một số khu công nghiệp mọc lên, chồng lấn quy hoạch tuyến cũ.
Theo ông Lê Thắng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Ban đã và đang rốt ráo, rà soát cập nhật số liệu toàn bộ quy hoạch tuyến đường vành đai 4 được duyệt, trong đó xuất hiện điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đi qua các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Riêng TP Hà Nội quy hoạch tuyến đường này không có sự thay đổi.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là thứ tự ưu tiên đầu tư và nguồn tiền đầu tư dự án tuyến đường vành đai 4 này nhưng Ban Quản lý dự án 2 sẽ phấn đấu hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2021 để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này trong năm 2021. Đồng thời, đăng ký vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 hoặc 2026-2030 để triển khai dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đánh giá, nhu cầu đầu tư đường vành đai 4 Vùng Thủ đô hiện tại đã trở nên hết sức cấp bách. Ðể đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư và thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi dự án tổ chức triển khai đầu tư.
Theo đó, Bộ GTVT có vai trò chủ trì để nghiên cứu, triển khai đầu tư, bảo đảm tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến. Các đoạn tuyến trên địa bàn TP Hà Nội do UBND TP Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Hiện nay, TP Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường vành đai 4 đoạn nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức PPP.
Các tuyến vành đai vùng được quy hoạch, đầu tư với định hướng gắn việc phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị, tách dòng xe quá cảnh không đi qua các đô thị và chủ yếu sử dụng nguồn lực từ quỹ đất của các địa phương để đầu tư.
Do chậm đưa vào khai thác tuyến vành đai Vùng Thủ đô, dẫn đến chưa cải thiện được mạng lưới giao thông đối ngoại của vùng, toàn bộ các phương tiện đều phải quá cảnh qua đường vành đai nội Vùng Thủ đô (vành đai 3) khiến tuyến này thường xuyên bị quá tải do phải đảm nhận thêm lưu lượng xe quá cảnh ngoài lưu lượng nội đô gây ùn tắc, tai nạn giao thông; chưa tạo đột phá kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm này.
Số liệu khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho thấy, lưu lượng phương tiện trên đường vành đai 3 bình quân khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. Ðây là lý do khiến đường vành đai 3 thường xuyên ùn tắc khi xảy ra sự cố giao thông hoặc gia tăng đột biến phương tiện dịp lễ, Tết.
Hiện lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì đạt khoảng 120 nghìn lượt xe/ngày đêm, vượt tải tới tám lần so lượng thiết kế (15 nghìn lượt xe/ngày đêm), chỉ cần một va chạm nhỏ là dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, TP Hà Nội sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm huy động nguồn lực, hình thức đầu tư và đưa dự án vào danh mục công trình giao thông trọng điểm, ưu tiên triển khai giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố để trình Thành ủy, HÐND TP Hà Nội xem xét thông qua, làm căn cứ thực hiện.