Những chùm ca bệnh và nhiều trường hợp tái phát
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 17 đến 24/3), số ca mắc thủy đậu trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tuần qua, trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận 86 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 16 trường hợp so với tuần trước đó).
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận trên địa bàn Hà Nội trong đầu năm 2023 tăng cao. Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 6 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân phân bố tại 17/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 241 ca, tiếp đến là Mê Linh với 96 ca, Ba Vì (83 ca), Nam Từ Liêm (58 ca), Mỹ Đức (51 ca).
Không chỉ trẻ nhỏ, mà thời điểm này, tại các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu.
BS Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, ngay từ giai đoạn thời kỳ ủ bệnh. Do đó, khi bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, nguy cơ lây cho cả nhà là rất cao. Gần như trong nhà có người mắc bệnh thủy đậu thì nhiều người trong nhà bị lây nhiễm và trong lớp có học sinh mắc thủy đậu thì nhiều bạn trong lớp cũng nhiễm bệnh.
Trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Người lớn mắc thủy đậu thì lâm sàng sẽ nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm.
Đặc biệt, tại bệnh viện đã tiếp nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó đáng lưu ý có một số trường hợp tái mắc bệnh.
Thai phụ mắc thủy đậu cần đi khám ngay |
Nhiều biến chứng nguy hiểm và không có thuốc chữa
Các chuyên gia cho biết, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng ngoài những phỏng nước gây khó chịu, nhất là phỏng nước xuất hiện trong niêm mạc miệng. Tuy nhiên, bệnh thuỷ đậu nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể gây ra một số biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm.
Nhiễm trùng da: Biến chứng hay gặp nhất là gây nhiễm trùng da nơi mọc phỏng nước vì vậy sẽ để lại sẹo sau khi khỏi bệnh làm mất thẩm mỹ cho người khỏi bệnh. Nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não.... những biến chứng này sẽ rất khó chữa trị, bởi vì virus thuỷ đậu cũng như các loại virus khác là chưa có một loại thuốc kháng sinh nào đặc trị được.
Căn bệnh này nếu gặp ở phụ nữ đang mang bầu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, bởi vì có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật thai nhi.
Viêm phổi: Bệnh thủy đậu cũng có thể gây biến chứng viêm phổi. Biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.
Viêm thận: Bệnh thủy đậu cũng có thể gây viêm thận, viêm cầu thận cấp.
Zona thần kinh: Một biến chứng khác có liên quan giữa virus gây bệnh Zona thần kinh và bệnh thủy đậu. Đó là bệnh Zona thần kinh (bệnh giời leo) là kết quả của sự tái hoạt động của virus thủy đậu (varicella-zoster virus).
Bệnh Zona thần kinh do virus thủy đậu tái hoạt động gây ra, thường xảy ra trong nhiều năm sau lần bị bệnh thủy đậu ban đầu và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm kết mạc, giác mạc, viêm màng bồ đào, rối loạn tiết niệu - trực tràng, liệt mặt, viêm não, màng não. Tất cả các biến chứng này đều rất nguy hiểm.
Biến chứng đáng sợ nhất của Zona thần kinh được gọi là đau sau zona, thường gặp ở người cao tuổi, có làn da khô, mỏng. Đây là tình trạng đau dai dẳng ở vùng da sau khi mụn nước đã lành (4-6 tuần), rất khó chữa trị. Căn bệnh này làm cho người bệnh phải chịu những cơn đau liên tục như dao đâm, cắt thịt, kéo dài vài tháng, vài năm hoặc suốt đời.
Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Người bệnh mắc thể nhẹ có thể được điều trị tại gia đình theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ khám bệnh. Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện có đủ điều kiện để khám chữa kịp thời.
Cách phòng ngừa thủy đậu
Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định.
Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
· Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, cần tiêm chủng ngừa trong 3 ngày sau đó.
Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu.
Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi.