Trong tuần qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 800 ca mắc thủy đậu, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ có 11 ca); hiện chưa ghi nhận ca tử vong do thủy đậu.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện đã xuất hiện thêm các chùm ca bệnh thủy đậu tại: Trường Mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) có 12 ca mắc; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có 9 ca mắc; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) có 20 ca mắc; Trường Mầm non Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) có 12 ca mắc.
Người dân cần tiêm vaccine phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng của thủy đậu - Ảnh: Kinh tế đô thị |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng dự báo, bệnh thủy đậu có thể tiếp tục xu hướng gia tăng số ca mắc trong thời gian tới; nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho dịch lây lan như hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay dịch thủy đậu đến sớm hơn, không chỉ ghi nhận bệnh thủy đậu ở trẻ em, mà còn xuất hiện các ca mắc là người lớn, nhiều người diễn biến nặng.
Thông thường hàng năm, bệnh thủy đậu thường diễn ra vào thời điểm mùa Đông - Xuân, tuy nhiên, ngay từ thời điểm đầu năm nay, bệnh thủy đậu đã xuất hiện; đặc biệt xuất hiện các chùm ca bệnh là ở người lớn cũng là điều khác thường.
Bệnh thủy đậu có thể gây những biến chứng nặng nề nếu không biết cách chăm sóc, điều trị như: Viêm phổi, viêm não; đặc biệt, di chứng sau đó có thể kèm theo như: Điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Với trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu ở người lớn đôi khi còn nặng nề hơn ở trẻ em./.