Hà Nội: Đường tàu nguy cơ thành bãi rác

(khoahocdoisong.vn) - Hành lang đường sắt dọc đường Lê Duẩn (Hà Nội) đang trở thành nơi tập kết rác thải, không chỉ gây ô nhiễm mà còn tiềm ẩn nguy hiểm khi các đoàn tàu vận hành. Đáng chú ý, vì lý do “vùng giáp ranh” nên trách nhiệm bảo vệ môi trường khu vực này bị xem nhẹ.

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây đường sắt đoạn đường Lê Duẩn trở thành địa điểm tập kết rác thải gây ô nhiễm chưa từng có. Nhiều người tỏ ra bức xúc, vì tình trạng này tái phát chỉ sau một thời gian ngắn khi chính quyền ra quân dọn dẹp làm sạch đẹp đường phố.

Đường tàu thành bãi rác

Phóng viên Báo KH&ĐS có mặt dọc đoạn đường này mới chứng kiến hết vấn nạn tập kết rác ven hành lang an toàn của đường sắt. Từ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, bàn ghế cũ hỏng, bồn cầu, bể tắm… tràn lan từ trong ra ngoài.

Đặc biệt tại ngõ Nhà Dầu, là nơi dân cư tập trung đông đúc nên rác thải có vẻ trở thành bài toán không có lời giải. Người dân nơi đây cho hay, không lúc nào tại đầu con ngõ này thiếu rác. Rác bày ra từ trong ngõ đến qua đường tàu, tràn cả xuống lòng đường Lê Duẩn.

Rác các loại tập kết ven đường tàu đường Lê Duẩn.

Rác các loại tập kết ven đường tàu đường Lê Duẩn.

Tại đây, phóng viên gặp một nhân viên môi trường, chị này than thở là rác nhiều quá mà người dân không có ý thức để rác vào trong thùng. Công việc hằng ngày của chị là gắp những phần rác thải rơi vãi quanh khu vực bỏ vào trong thùng. Nhưng chị cũng cho biết, chị chỉ dọn rác sinh hoạt chứ rác xây dựng hoặc bàn ghế cũ thì không.

“Vấn đề ở đây không phải là việc có hay không có trách nhiệm, mà vấn đề rác thải cứng như phế liệu xây dựng hoặc bàn ghế cũ hỏng thì chính quyền phải đánh giá khối lượng, lập biên bản và trả phí riêng để công ty môi trường vận chuyển đi”, chị này cho hay.

Có lẽ vì thế mà hành lang đường sắt dọc đường Lê Duẩn trở thành một bãi rác đúng nghĩa. Bàn ghế vứt chỏng chơ, chồng lấn lên cả hàng rào an toàn. Ven ngay ray tàu là cả đống biển bảng quảng cáo của ai, rồi người ta còn xếp cả đống vỏ dừa khô và vô tư đốt ngay trên hành lang đường tàu.

Cạnh hành lang trên vỉa hè đường Lê Duẩn, hàng trăm bao tải đựng phế thải xây dựng xếp ngổn ngang. Chưa hết, ngay cả chăn chiếu bàn tủ… cũ hỏng cũng được tập kết tại đây gây ra một cảnh tượng vừa ô nhiễm, vừa mất mỹ quan đô thị.

Tình trạng nhếch nhác này khiến dư luận bức xúc.

Tình trạng nhếch nhác này khiến dư luận bức xúc.

3 phường “chung tay” xả rác

Phỏng vấn một nhân viên đường sắt tại đây, anh này nói không chỉ có rác sinh hoạt, mà người dân còn vứt cả những đoạn gỗ to dài ngang đường tàu. Thậm chí, có lần không hiểu cây chuối ở đâu ra mà người ta vứt đầy trên ray. Rất may là các nhân viên đường sắt thường xuyên tuần tra phát hiện các vật cản nguy hiểm và giải quyết nhanh chóng.

Theo tìm hiểu, rác tại khu vực này chủ yếu do người dân 3 phường vứt ra, là: Phương Liên, Trung Phụng và Khâm Thiên. Riêng đường sắt qua địa bàn phường Phương Liên thì ít hơn, nhưng phường Trung Phụng và Khâm Thiên thì chưa khi nào thiếu rác.

Theo tìm hiểu, rác thải do người dân 3 phường: Phương Liên, Trung Phụng, Khâm Thiên xả ra.

Theo tìm hiểu, rác thải do người dân 3 phường: Phương Liên, Trung Phụng, Khâm Thiên xả ra.

Ông Lê Vĩnh Bình, Phó chủ tịch UBND phường Trung Phụng thừa nhận rác tại khu vực hành lang đường tàu và ven đường Lê Duẩn là do người dân trên địa bàn gây ra. Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh: Đó là khu vực giáp ranh nên rất khó quản lý.

“Rác thì do dân trong phường xả, còn địa bàn quản lý thì lại do phường khác. Chúng tôi quản lý từ mép đường sắt vào trong, còn từ mép đường sắt trở ra đường Lê Duẩn thì do quận Hai Bà Trưng”, ông Bình cho biết.

Đề cập đến trách nhiệm quản lý rác, ông Bình cho rằng do địa bàn quá đông dân cư lại không có điểm tập kết rác thải nên người dân tiện tay đem rác qua hành lang đường tàu. Vấn đề này, theo ông Bình là rất khó giải quyết.

Còn ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND phường Phương Liên lại cho rằng: Toàn bộ rác thải cũng như bàn ghế, tủ hỏng… mà người dân vứt ra thuộc về trách nhiệm thu gom của Xí nghiệp Môi trường đô thị Đống Đa.

Đốt cả rác trên hành lang đường tàu.

Đốt cả rác trên hành lang đường tàu.

Khó “diệt rác” vì vùng giáp ranh

Tuy nhiên, ngay tại địa bàn phường Phương Liên khu vực hồ Ba Mẫu tiếp giáp với đường tàu này thì rác thải lại ngập ngụa. Ngoài bàn ghế cũ hỏng còn la liệt cành cây khô xếp đống. Ngay trước trạm bơm điều hòa hồ Ba Mẫu cũng xuất hiện một đống rác gồm cả cành cây lẫn bàn ghế khiến người dân bức xúc, vì tình trạng đã tồn tại từ lâu.

“Đối với khu vực này, phân cấp quản lý môi trường khá phức tạp. Lòng hồ một đơn vị, cây xanh lại một đơn vị khác, cho nên nhiều khi chính quyền bị hiểu lầm là không có trách nhiệm với vấn đề môi trường”, ông Lộc nói.

Cành cây khô, bàn ghế hỏng ven hồ Ba Mẫu phường Phương Liên.

Cành cây khô, bàn ghế hỏng ven hồ Ba Mẫu phường Phương Liên.

Trong khi vấn đề “rác thải ở vùng giáp ranh nên khó giải quyết”, chúng tôi tìm gặp chính quyền phường Lê Đại Hành, một cán bộ trật tự đô thị cùng phóng viên ra tận hiện trường và vị cán bộ này xác nhận: Tại hành lang đường tàu thuộc phường Lê Đại Hành, rác thải do người dân phường Phương Liên xả ra. Phường thường xuyên phải kiểm tra và đề nghị bên công ty môi trường dọn dẹp.

Vị cán bộ này cũng nói, khu vực giáp ranh với phường Lê Đại Hành, mà đặc biệt là “ổ ô nhiễm” tại ngõ Nhà Dầu là do phường Nguyễn Du quản lý. Chúng tôi lại tìm gặp chính quyền phường Nguyễn Du, sau khi xem ảnh chụp, ông Hoàng Đình Trung – cán bộ phụ trách môi trường thừa nhận vấn nạn ô nhiễm này.

Nhân viên đường sắt cho biết, những vật cản rất nguy hiểm trong công tác vận hành đoàn tàu.

Nhân viên đường sắt cho biết, những vật cản rất nguy hiểm trong công tác vận hành đoàn tàu.

Tuy nhiên, ông Trung cũng nói: Tuy là trách nhiệm của UBND phường Nguyễn Du nhưng rác thải lại do người dân phường Trung Phụng xả ra. Và UBND phường sẽ làm việc với bên môi trường hoặc đề xuất 2 quận làm việc với nhau để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

“Thực sự là tôi rất bức xúc trước vấn nạn xả rác tại khu vực ngõ Nhà Dầu và hành lang đường sắt đường Lê Duẩn. Khu vực đó tuy là địa bàn do chúng tôi quản lý, nhưng phải thừa nhận là không có người dân nào của phường tôi sinh sống tại đó. Rác chắc chắn là do người dân quận Đống Đa xả ra, đặc biệt là người dân phường Trung Phụng”, ông Trần Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng).

Cảnh phế liệu xây dựng bị vứt trộm ven đường sắt đoạn đường Lê Duẩn.

Cảnh phế liệu xây dựng bị vứt trộm ven đường sắt đoạn đường Lê Duẩn.

“Người dân phường Trung Phụng xả ra, nhưng địa giới quản lý lại do bên quận Hai Bà Trưng, về nguyên tắc chúng tôi không thể can thiệp vào địa bàn khác. Vấn đề môi trường chúng tôi cũng rất cố gắng, trước phường có nhiều điểm đen nhưng giờ đã gần như sạch rồi. Còn việc xả rác ra đường tàu là do ý thức của người dân, chúng tôi cũng tuyên truyền khản cổ chứ đâu có lơ là”, ông Lê Vĩnh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Phụng (Đống Đa).

Theo Đời sống
back to top