Hà Nội: Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại trường học

Các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở các trường học.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe học sinh, thời điểm này, thành phố Hà Nội đang tập trung cao điểm kiểm soát an toàn thực phẩm trường học.

Ngoài việc giám sát chặt chẽ nguồn gốc, quy trình chế biến thực phẩm tại các bếp ăn trường học, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành rà soát, kiểm tra các dịch vụ ăn uống xung quanh cổng trường.

Đồng loạt kiểm tra an toàn thực phẩm tại trường học

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm quận Long Biên đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú của 3 trường học trên địa bàn, gồm: Trường Tiểu học Thanh Am; Tiểu học Đức Giang và Mầm non Ánh Sao.

Tại thời điểm kiểm tra, các trường đã lựa chọn được đơn vị cung cấp thực phẩm có đủ điều kiện, năng lực, đáp ứng các tiêu chí về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Cùng với đó, các trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức bữa ăn bán trú; đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ và nhân viên tham gia vào việc tổ chức bữa ăn bán trú.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra đánh giá cao việc các trường đã công khai mã QR của từng loại sản phẩm để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, công tác tự kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được các trường duy trì hằng ngày. Nhờ đó, có trường khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn đã kiên quyết loại bỏ và lập biên bản.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã tiến hành xét nghiệm nhanh một số thực phẩm như: Giò, chả, bánh phở... và các dụng cụ như: Khay ăn, thìa, bát... Kết quả, các mẫu thực phẩm và dụng cụ tại 3 trường đều đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tại Trường Tiểu học Đức Giang, khu rửa tay của học sinh khu vực phòng ăn tập trung đã bị hỏng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích. Còn với Trường Tiểu học Thanh Am, đoàn kiểm tra lưu ý nhà trường cần bổ sung quy trình xử lý dầu, mỡ sau chế biến và bố trí khu vực có biển nhận diện để tránh tái sử dụng…

Kết thúc buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận cần phải kiên quyết chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm không chấp hành quy định về an toàn thực phẩm; công khai thực đơn và danh sách các đơn vị cung cấp thực phẩm cho phụ huynh học sinh biết.

Phòng Y tế quận có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND 14 phường hướng dẫn các nhà trường thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời xây dựng lịch kiểm tra an toàn thực phẩm hằng tuần tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận và kịp thời tham mưu UBND quận xử lý đối với trường hợp vi phạm.

Tương tự, hiện toàn huyện Hoài Đức có trên 100 trường học của 3 cấp học với 84 bếp ăn tập thể. Năm học 2024-2025, huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở giáo dục thuộc huyện quản lý, đồng thời thành lập đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú và các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố, tạp hóa trước cổng trường.

Từ ngày 23/9 đến 15/10/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Giáo dục và Đào tạo của huyện đã tổ chức kiểm tra 77 trường học có bếp ăn bán trú trên địa bàn. Kết quả, các bếp ăn đã đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trường học, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn trong chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh xung quanh cổng trường học không bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm.

Hà Nội: Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm

Hà Nội: Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm

Tập trung cao điểm trong cả năm

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ tháng 8/2024 đến hết tháng 8/2025, toàn thành phố tập trung cao điểm cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học. Theo đó, bếp ăn tại các nhà trường đều được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn, phòng, chống ngộ độc đối với học sinh và giáo viên. Cùng với đó, các dịch vụ ăn uống xung quanh trường học cũng cần được các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát.

“Thành phố đặc biệt chú ý tới các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường. Bởi vì thực phẩm bày bán tại các quán hàng này đều không rõ nguồn gốc, sẽ kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh...

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và quanh cổng trường sẽ được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định”, ông Đặng Thanh Phong khẳng định.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị, đoàn kiểm tra của các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra đột xuất và hậu kiểm để xem cơ sở khắc phục sai phạm, tồn tại đến đâu. Từ đó, kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở tồn tại vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến…

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các trường học, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc do người lạ cung cấp.

Theo Đời sống
back to top