<div> <div> <article> <header class="article-header"> </header> <div> <div>Trong bối cảnh kinh tế Thủ đô đã phục hồi nhưng chưa mạnh mẽ cộng với mức giao chỉ tiêu thu tăng so với năm 2017; các nguồn thu trên địa bàn đang dần trở nên khó khăn hơn do các dòng thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm khiến cho việc thu ngân sách ở Thủ đô được một số chuyên gia ví như "cuộc chiến" không có đường lùi.</div> <p>Song với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các ngành kho bạc, thuế, tài chính, kế hoạch đầu tư...của thành phố nên thu ngân sách năm 2018 đã về đích, thậm chí có mục tiêu thu vượt kế hoạch, tạo nguồn lực và đóng góp quan trọng vào ngân sách Quốc gia đồng thời là xung lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô bước vào năm 2019.</p> <p><strong>Xây dựng "kịch bản" thu ngân sách từ giờ đầu, ngày đầu năm</strong></p> <p>Ngân sách của Hà Nội đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia. Do tính chất quan trọng như vậy, ngay từ những ngày đầu năm ngân sách, Hà Nội đã lên "dây cót" các cơ quan tham gia vào thu ngân sách như thuế, kho bạc, tài chính, kế hoạch đầu tư... với mục tiêu đặt ra là bình quân mỗi ngày làm việc thành phố thu vào ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng.</p> <p>Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngay từ đầu năm thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Cục Thuế, Kho bạc, Tài chính xây dựng "kịch bản" thu ngân sách. Theo đó, phân công rõ trách nhiệm cho các ngành liên quan, quận huyện, thị xã bám sát và triển khai quyết liệt thu ngân sách nhà nước ngay từ giờ đầu, tháng đầu năm 2018.</p> <p>Giải pháp mà Hà Nội đưa ra để hoàn thành thu ngân sách là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó tiến hành tháo gỡ cũng như rà soát thủ tục rườm rà cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách.</p> <p>Mặt khác, thành phố Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng và phát huy mạnh mẽ vai trò của ban này trong việc rà soát nắm chắc nguồn thu, số lượng người nộp thuế trên địa bàn; phân tích đánh giá cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu trên từng địa bàn, từng lĩnh vực để có giải pháp cụ thể.</p> <p><strong>[Tăng 15% so với cùng kỳ, thu ngân sách vượt mốc 1,2 triệu tỷ đồng]</strong></p> <p>Đáng chú ý, việc Hà Nội công bố công khai các doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế đã giải quyết được khá lớn các khoản nợ. Nhiều doanh nghiệp có ý định "chây ỳ," lợi dụng nguồn ngân sách cũng sợ mất uy tín nên chấp hành nộp tiền nợ thuế. Đặc biệt, thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành kể trên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa chứng từ để giảm thủ tục cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.</p> <p>Có thể nhận thấy, với những giải pháp trên, Hà Nội đã vượt khó để về đích thu ngân sách năm 2018. Báo cáo của ông Đào Thái Phúc - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội tính đến 12h ngày 31/12 cho thấy, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 là 226.795 tỷ đồng, tăng 16,5 % so với thực hiện năm 2017. Hầu hết các khoản thu tăng so với năm 2017, trong đó, có khoản thu tăng mạnh như: thu điều tiết ngân sách địa phương là 99.807 tỷ đồng, đạt 106,4% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Hà Nội là 250.158 tỷ đồng.</p> <p><strong>Tích cực thanh tra xử lý nợ đọng để tăng thu</strong></p> <p>Theo ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc thành phố Hà Nội hoàn thành vượt mức thu ngân sách năm 2018 có ý nghĩa lớn, góp phần hoàn thành mục tiêu chung thu ngân sách của toàn quốc. Sang năm 2019, nhiệm vụ thu ngân sách của thành phố Hà Nội tăng hơn so với năm 2018, điều này đòi hỏi thành phố Hà Nội cần phải nỗ lực, tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành thu ngân sách để hoàn thành chỉ tiêu giao.</p> <p>Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng lưu ý Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặt mục tiêu thu đúng, thu đủ nhưng không làm phiền hà đến người dân và doanh nghiệp. Ông Trần Xuân Hà nhấn mạnh, thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý nợ đọng; trong đó, có giải pháp chống chuyển giá và gian lận thương mại.</p> <p>Hà Nội dù có số nợ đọng giảm hơn so với các tỉnh thành, song do quy mô lớn, nếu để nợ đọng cao sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Vì vậy, mục tiêu năm 2019, Hà Nội phải giảm nợ đọng xuống 5%, để tăng thu ngân sách. Khẳng định quyết tâm hoàn thành chỉ đạo thu ngân sách năm 2019, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh, các ngành liên quan nhất là Cục Thuế Hà Nội, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, tháo gỡ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.</p> <p>Trong quá trình thu thuế, thực hiện công khai các chính sách thuế, tạo sự công bằng, rút ngắn thời gian nộp thuế cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành Thuế Hà Nội tập trung bám sát hàng tháng, hàng quý những khoản thu lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài để đôn đốc nộp thuế đúng quy định.</p> <p>Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ đạo, các ngành như thuế, kho bạc, tài chính tập trung nguồn nhân lực chất lượng tốt để thực hiện thu ngân sách ngay từ giờ đầu, ngày đầu của năm, thực hiện tốt chuyên môn; trong đó đặc biệt chú trọng đến các nguồn thu từ khối doanh nghiệp tư nhân, khối vốn đầu tư nước ngoài; quản lý chặt chẽ thuế thu nhập cá nhân từ các chuyên gia nước ngoài; rà soát lại thuế trước bạ trong chuyển nhượng nhà đất…</p> <p>Chia sẻ về nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2019, ông Nguyễn Thế Mạnh - Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa về quản lý thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá trên nguyên tắc quản lý rủi ro, tránh chồng chéo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ công chức; phối hợp tốt với các ngành liên quan trong thu nộp ngân sách trên địa bàn./.</p> </div> </article> </div> </div>