Hà Nội có một xưởng chế tác nhạc cụ độc đáo mà chủ nhân cũng là người thợ mang cái tên đọc lên nghe “trúc trắc”: Cao Kỷ Kỉnh.
Ông Kỉnh còn có một nghề nữa là sửa đàn.
Căn hộ của ông Cao Kỷ Kỉnh ở tầng 1, khu tập thể Thành Công Bắc, quận Ba Đình. Ông Kỉnh sinh năm 1958 ở làng Nhuế Dương (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) – một làng có nghề truyền thống làm đàn dân tộc. Mười ba năm trước, do quê nhà quá khó khăn, người vợ của ông phải lên Hà Nội tìm việc làm nuôi con ăn học. Để chia sẻ nỗi cơ cực với vợ, năm 2009, ông Kỉnh cũng lên Hà Nội kiếm sống.
Khác với nhiều lao động tự do từ các tỉnh đổ về Hà Nội, ông Kỉnh mang theo nghề chế tác đàn do cha truyền lại. Trong căn hộ tập thể đã ngả màu, để đỡ nhớ quê, nhớ mấy anh em trong phường hội đàn sáo Nhuế Dương thường tụ tập chơi đàn, ông mang cây nhị của người cha để lại ra kéo. Tiếng nhị buồn thương càng làm cho không gian thêm u tịch. Dân trong khu tập thể nhiều lúc tưởng nhà ông có đám ma.
Nhưng rồi dần dần căn hộ của ông trở thành điểm tụ hội của các vị cao niên. Họ đến để nghe ông kéo đàn, đánh trống, thổi sáo những bản dân ca hoặc mang âm hưởng dân ca, nhất là những tác phẩm về đồng quê.
Rất nhiều người thích thú với những cây nhị, cây sáo mà ông mang từ quê ra nên đã đặt mua. Vậy là cơ duyên đến với nghề chế tác đàn khơi gợi trong ông. “Thoáng cái đã 9 năm từ ngày những cây đàn, cây sáo ra đời ở căn nhà tập thể này” – ông Kỉnh hồi tưởng.
Xưởng đàn ông Kỉnh ra đời từ nỗi nhớ quê, từ sự mến mộ của hàng xóm và bạn bè gần xa. Người nông dân tài hoa Cao Kỷ Kỉnh đã trở thành nghệ nhân với bất cứ ai mua đàn do ông chế tác hay nghe ông đàn.
Với đôi bàn tay tài hoa, ông đã làm ra nhiều cây đàn độc đáo. Ông tâm sự: “Để có được một cây đàn, cây sáo đạt chuẩn, có chất lượng âm thanh tốt, quan trọng nhất là chọn gỗ và thẩm âm. Tôi phải về quê nhà ở Nhuế Dương để tìm gỗ làm đàn. Ngày xưa các cụ làm đàn chủ yếu bằng gỗ ngô đồng, gỗ vông, gỗ dẻ. Nhưng hiện nay chất liệu để làm đàn đa dạng hơn với gỗ thông, gỗ mít, gỗ sung, vỏ quả bầu… Để làm đàn phải chọn những loại gỗ xốp, nhẹ, không bị vặn thớ, như vậy khi đánh âm thanh sẽ ngân vang hơn”.
Ông Kỉnh chế tác đàn guitar
Nói là xưởng chế tác đàn, nhưng hầu hết công việc một mình ông làm, hoàn toàn bằng tay. Ông chỉ tôi xem một chiếc hộp đàn guitar đang được ép cẩn thận. “Gỗ phải là gỗ thông, miếng liền khối có độ dày nhất định. Hộp đàn chỉ cần cong vênh một chút là hỏng, phải bỏ. Sau khi dựng khung thì việc gắn dây và thẩm âm cây đàn là hết sức quan trọng. Ở đây phố xá ồm ào nên phải đợi thật khuya mới lấy đàn vừa làm ra đánh thử. Để âm thanh đạt chuẩn, tôi dùng những loại dây đặt mua từ nước ngoài. Những loại dây này hiện nay không dễ tìm mua ở Hà Nội”.
Bằng hai bàn tay điêu luyện, đôi tai thẩm âm chuẩn mực, hàng trăm cây đàn bầu, đàn tranh, đàn tính, đàn đáy, đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn tỳ bà, đàn sến, đàn hồ, đàn nguyệt, mandolin, violon, guitar, tiêu, sáo, trống cơm, khèn Mèo… đã ra đời từ xưởng đàn ông Kỉnh.
Từ năm 2014, nghệ nhân Kỉnh đã chế tác thành công đàn tranh 19 dây (bình thường đàn tranh, hay còn gọi là đàn thập lục chỉ có 16 dây). Cây đàn 19 dây của ông nhiều hơn 10 nốt nhạc so với đàn truyền thống, âm thanh trầm bổng khác thường. Nghệ nhân còn sáng tạo ra cây đàn bầu có âm lượng lớn gấp ba lần cây đàn bình thường, âm trầm ấm.
Nghệ nhân Kỉnh chơi được nhiều nhạc cụ
Phần lớn đàn của ông Kỉnh bán với giá từ 700.000 đến 2 triệu đồng. Đàn tranh, đàn bầu trên thị trường có giá 5 – 10 triệu nhưng đàn ông Kỉnh làm ra chỉ bán cao nhất là 3 triệu đồng. Đàn tính, đàn guitar giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Ông Kỉnh còn có một nghề nữa là sửa đàn.
Hiện nay nhiều loại nhạc cụ được bày bán ở Hà Nội nhưng thật giả lẫn lộn, người không rành khó tìm được cây đàn chuẩn về âm thanh, lại bền đẹp. Ông Kỉnh vào góc nhà đem ra cho chúng tôi xem mấy cây đàn guitar và đàn bầu dỏm.
Ông vừa vỗ tay vào thân cây guitar vừa nói: “Cây đàn này của một nữ sinh viên mua ngoài phố, đánh vài lần đã hỏng bởi được làm bằng gỗ ép. Với thời tiết nóng ẩm của Việt Nam thì chẳng cần đánh, chỉ treo tường vài ba tuần, đàn sẽ tự bong, tróc. Dây đàn cũng kém chất lượng, dễ bị đứt, không chuẩn nốt nhạc”.
Trên tay tôi hai cây guitar, một của nghệ nhân Kỉnh chế tác và một của khách đem đến sửa, dễ dàng nhận ra đàn nào có chất lượng đảm bảo, đàn nào không. Nghệ nhân Kỉnh cho biết đàn đã dỏm thì không sửa được. Để chứng minh, ông đem ra một cây guitar dỏm. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy mặt hộp đàn được ghép bằng nhiều mảnh gỗ dán mỏng manh, bên trong có những thanh gỗ dằng thô ráp.
Mấy năm nay, ngày càng nhiều sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia, các nhóm nhạc, nhóm văn nghệ dân tộc tin yêu lui tới xưởng đàn của nghệ nhân Cao Kỷ Kỉnh mua bán, học hỏi.
Nguyễn Thị Lan – sinh viên năm nhất Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đang tập tành chơi guitar mua phải cây đàn dỏm ở đường Đê La Thành, đem đến nhớ ông Kỉnh sửa, nhưng ông lắc đầu. Lan tâm sự: “Mấy đứa bạn đã mua đàn guitar ở nhà bác Kỉnh về chơi, thấy rất tốt, nên em cũng mua một cây. Khi biết bác chơi đàn rất giỏi, em thường lui tới để nhờ bác ấy chỉ bảo thêm”.
Mới đây, ông Trần Văn Thanh ở khu Kim Liên, sau khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, đã tìm đến xưởng đàn ông Kỉnh để học chơi đàn bầu. Ông Thanh kể: “Nhiều sinh viên khoa nhạc cụ dân tộc, rồi phường bát âm đều coi xưởng đàn nghệ nhân Kỉnh là điểm hẹn quen thuộc. Năm 2014, có một ông cụ tên Lê Văn Hoàng 94 tuổi, khi nghe danh làm đàn, chơi đàn của nghệ nhân Kỉnh, đã từ Bắc Giang mang theo cây đàn bầu trên trăm tuổi lên chơi. Gặp được người tri kỷ, cụ Hoàng chơi đúng một lần, rồi tặng lại cây đàn cổ cho nghệ nhân Kỉnh lưu giữ. Sau lần chơi đàn cùng ông Kỉnh, ông Hòang qua đời.
Những cây đàn, cây sáo cứ lần lượt ra đời như để nghệ nhân Cao Kỷ Kỉnh tri ân với đời, với người cha quá cố, đặc biệt là gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Theo Nguyễn Hường (DNSG)