Bệnh nhân là nam, 66 tuổi, địa chỉ tại Ba Vì. Ngày 12/11, bệnh nhân bị vết thương ở ngón cái của chân phải và không tiêm phòng uốn ván.
Đến ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc uốn ván. Bệnh nhân đang được các bác sĩ của bệnh viện điều trị tích cực.
Hình minh hoạ. |
Theo các chuyên gia y tế, bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí gây ra. Tuy vậy, bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng chủ động, trước khi bị vết thương.
Với người lớn dự phòng chủ động bằng cách tiêm liều cơ bản gồm 3 liều, 2 liều đầu cách nhau ít nhất 1 tháng và tiêm nhắc lại sau liều thứ hai từ 6-12 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
Khi đã tiêm đủ 3 liều cơ bản từ 5 đến 10 năm, nếu bị vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván thì cần tiêm nhắc lại 1 liều vaccine.
Nếu khoảng cách từ liều tiêm nhắc lần cuối cùng đã quá 10 năm thì phải tiêm nhắc lại 1 liều vaccine kể cả với vết thương nhỏ, sạch; với các vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván cần tiêm bổ sung 1 liều vaccine kết hợp với huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT).