VN3TK liên tiếp được chỉ định thầu
Trong vụ việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), kết quả điều tra ban đầu xác định hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu giá 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu lên đến 7 tỷ đồng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Ngoài gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR theo tìm hiểm của KH&ĐS, thời gian qua CDC Hà Nội cũng đã chỉ định hàng loạt các doanh nghiệp thực hiện nhiều gói thầu liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong số đó phải kể đến Công ty CP sản xuất và thương mại 3TK (VN3TK) đã được CDC Hà Nội chỉ định trúng nhiều gói với giá trị lớn, tổng giá trị các gói thầu đã trúng lên đến trên 40 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 29/2/2020, VN3TK được CDC Hà Nội phê duyệt chỉ định rút gọn trúng gói số 18 “mua bộ trang phục chống dịch phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới” với giá lên đến 18,3 tỷ đồng. Kinh phí từ nguồn từ dự toán bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (đợt 1).
Ngày 20/3/2020, CDC Hà Nội phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói gói mua trang bị bảo hộ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Công ty VN3TK tiếp tục được chỉ định trúng thầu với giá 6,530 tỷ đồng.
Tương tự, ngày 23/3/2020, CDC Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu mua bộ bảo hộ toàn thân cho các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Vẫn là Công ty VN3TK được chỉ định trúng với giá 6,815 tỷ đồng.
Ngày 8/4/2020, VN3TK tiếp tục được CDC Hà Nội phê duyệt trúng gói mua trang bị bảo hộ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, theo hình thức chỉ định rút gọn với giá 6,757 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian bùng phát dịch bệnh Công ty VN3TK đã được CDC Hà Nội chỉ định trúng các gói khác như gói: Mua kính bảo hộ và găng tay rửa bằng cao su phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, với giá trúng thầu bằng giá dự toán 911,405 triệu đồng; Gói mua phương tiện phòng hộ cá nhân phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona với giá trúng 1,751 tỷ đồng.
Hai gói thầu mua sắm trang phục chống dịch của CDC Hà Nội "chênh" nhau 18 tỷ đồng (ảnh minh họa, nguồn TTXVN). |
Bất thường 2 gói mua “trang phục chống dịch”
Như đã nói, ngày 29/2/2020, CDC Hà Nội quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói số 18 “Mua bộ trang phục chống dịch phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới”, bằng dự toán bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (đợt 1). Theo đó Công ty VN3TK đã được chỉ định thực hiện gói thầu này, với giá trúng thầu là 18,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của KH&ĐS, trước đó vào ngày 11/2/2020, CDC Hà Nội đã phê duyệt kết quả đấu thầu gói số 6 cũng với tên gọi “Mua bộ trang phục chống dịch phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới”, cùng bằng dự toán bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (đợt 1).
Nhưng ở gói thầu này, một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Thương mại Và Xây dựng Phúc Thịnh (Công ty Phúc Thịnh) đã được CDC Hà Nội chỉ định trúng thầu với giá chỉ là 225 triệu đồng.
Có thể thấy chỉ trong vòng 18 ngày CDC Hà Nội đã liên tiếp chỉ định 2 doanh nghiệp thực hiện 2 gói thầu (số 6 và số 18) cùng tên gọi “Mua bộ trang phục chống dịch phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới”. Nhưng, mức giá giữa 2 gói thầu này chênh lệch trên 18 tỷ đồng. Vậy, 2 gói thầu này có những đặc điểm gì khác nhau, số lượng cũng như chất lượng các bộ trang phục tại các gói thầu như thế nào mà dẫn đến giá trị “phô chênh” đến vậy?
Đặc biệt, tại sao CDC Hà Nội không tiếp tục chỉ định Công ty Phúc Thịnh thực hiện gói mua trang phục chống dịch mà phải thế vào đó là Công ty VN3TK, dù Công ty Phúc Thịnh được chỉ định thực hiện trước. Những nội dung này cho thấy sự bất thường trong việc đấu thầu trang phục chống dịch do CDC Hà Nội tiến hành.
Mặt khác, theo tìm hiểu của KH&ĐS, tại nhiều địa phương khác cũng đã tổ chức đấu thầu gói mua sắm trang phục phục vụ chống dịch. Tuy nhiên, giá các gói thầu tại các địa phương chỉ từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng, đặc biệt giá mỗi bộ trang phục chống dịch dao động khoảng từ 120 nghìn/bộ đến 200 nghìn/bộ.
Đơn cử tại Bắc Ninh, Công ty CP KCT Việt Nam được chỉ định trúng thầu gói mua sắm trang phục chống dịch với giá 872,3 triệu đồng. Trong đó bao gồm 6.100 bộ trang phục xuất xứ tại Việt Nam (gồm 7 món: Bộ áo, quần, liền mũ vải không dệt kéo khóa, không thấm nước; giầy; kính bảo hộ; khẩu trang 3 lớp; găng tay), mỗi bộ trang phục có giá 143 nghìn đồng.
Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cũng chỉ định Công ty TNHH thiết bị y tế Tài Đức thực hiện gói mua 630 bộ trang phục chống dịch với giá gói thầu 132,3 triệu đồng. Bộ trang phục xuất xứ tại Việt Nam cũng gồm 7 món: quần, áo, mũ, giầy liền bộ, kính, khẩu trang, găng tay; mỗi bộ có giá 210 nghìn đồng.
CDC Bến Tre cũng mua 2.000 bộ trang phục chống dịch dùng 1 lần. Thành phần gồm 07 khoản: Mũ, vải không dệt thấu khí 40g/m2: 01 cái áo, vải không dệt thấu khí 40g/m2: 01 cái quần, vải không dệt thấu khí 40g/m2: 01 cái giầy, vải không dệt thấu khí 40g/m2: 01 cái kính bảo hộ: 01 cái găng tay cao su y tế, vô trùng: 01 đôi khẩu trang y tế. Mỗi bộ có đơn giá trúng thầu là 170 nghìn đồng.
Hay Sở Y tế Cà Mau mua 5.100 bộ quần áo chống dịch dùng 1 lần, giá trúng gói thầu là 612 triệu đồng với đơn giá mỗi bộ chỉ 120 nghìn đồng.
Vậy với gói mua bộ trang phục chống dịch số 18 giá trị lên đến 18,3 tỷ đồng mà CDC Hà Nội đã phê duyệt chỉ định Công ty VN3TK thực hiện, CDC Hà Nội đã mua bao nhiêu bộ và giá trị mỗi bộ là bao nhiêu?
Nhìn chung tại mỗi địa phương việc tổ chức đấu thầu mua sắm “trang phục chống dịch” cũng đang diễn ra “thiên biến vạn hóa” không khác gì việc mua máy Realtime PCR. Chứng tỏ một điều, ngay từ đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa có sự chỉ đạo chi tiết, cụ thể khiến các địa phương mua sắm thiết bị phục vụ mỗi nơi một giá, theo kiểu “trăm hoa đua nở”.