Hà Nội: Báo động tình trạng test nhanh dương tính tự đến cơ sở điều trị tầng 2 – 3

Ngày 6/12, BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, riêng ngày 5/12, Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp test nhanh dương tính tự đến viện khám.

Theo BSCKII Nguyễn Thu Hường, điều này rất nguy hiểm và đòi hỏi ý thức khai báo của người dân cũng như sự sát sao kiểm soát của chính quyền cơ sở. Bởi bệnh nhân test nhanh dương tính (khi có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà/trạm y tế lưu động....).

Việc bệnh nhân tự đến các cơ sở y tế sẽ khiến bệnh nhân tầng 2-3 bị hạn chế cơ hội được cứu sống, không những thế còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

benh-nhan-nang.jpg
Báo động tình trạng người Hà Nội test nhanh dương tính tự đến cơ sở điều trị tầng 2 – 3

BSCKII Nguyễn Thu Hường cũng cho biết thêm, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 20 - 30 ca, chủ yếu là tầng 2 và 3. Khoảng 15% bệnh nhân ở phân tầng 3.

Các ca nặng này chủ yếu là người cao tuổi (có ca trên 90 tuổi), một số ca phải thở máy, mắc COVID-19 trên nền tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, chưa tiêm văcxin. Hiện không có bệnh nhân chạy ECMO.

Việc một số bệnh nhân diễn biến nặng không tiêm văcxin một phần do người nhà chủ quan, cho rằng người cao tuổi, bị tai biến nằm một chỗ, không đi đâu nên không cần tiêm. Trong khi đó, bệnh nhân cao tuổi lại tiếp xúc với con cháu hàng ngày. Khi con cháu mắc COVID-19 sẽ lây nhiễm cho người cao tuổi. 

Tương tự tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai), bệnh nhân nặng chiếm tỷ lệ 10% tổng số bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng tại Hà Nội đang không cao, tuy nhiên, việc số lượng bệnh nhân ngày càng đông cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho các bệnh viện và đội ngũ cán bộ y tế.

Vì vậy, theo các chuyên gia, hiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài, bên cạnh việc đẩy mạnh tăng tỷ lệ bao phủ văcxin, ý thức phòng dịch của người dân đóng vai trò rất quan trọng.

Theo Đời sống
back to top