<div> <p>Ngày 9/10, các sở ngành của tỉnh <span>Hà Giang</span> có văn bản đề xuất UBND tỉnh tháo dỡ một phần công trình nhà nghỉ trên đèo Mã Pì Lèng.</p> <p>Tuy nhiên, sau khi nắm được thông tin, bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư công trình) tỏ ra không đồng tình và mong muốn được giữ công trình nguyên vẹn.</p> <h3>Xin được phủ xanh thay vì tháo dỡ</h3> <p>Theo phương án được các sở ngành đề xuất, chủ công trình Mã Pì Lèng Panorama sẽ phải cải tạo phần nhà nằm sát đường quốc lộ đảm bảo thân thiện với môi trường, đồng thời đập bỏ toàn bộ phần công trình phía sau, trồng cây xanh thay thế.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Ha Giang muon thao do, chu nha nghi Ma Pi Leng xin giu nguyen 7 tang hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/28/anh_zing.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Trao đổi với PV, bà Ánh nhiều lần khẳng định việc duy trì công trình mang lại nhiều lợi ích cho du khách và cư dân sống xung quanh. Ảnh: <em>Hoàng Hiệp.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Dù đề xuất của các sở ngành vẫn cho phép bà Ánh giữ lại một phần công trình (vị trí hiện tại là quán cà phê) nhưng nữ chủ nhân cho biết phương án này không hợp lý.</p> <p>Bà Ánh đưa ra nhiều lý do để xin được giữ công trình nguyên vẹn. Bà cho rằng đây là điểm dừng chân an toàn của du khách, nếu tháo dỡ thì sẽ phát sinh rất nhiều tai nạn như từng xảy ra khi chưa có tòa nhà.</p> <p>"Ngày xưa tôi chỉ định làm chỗ ấy trống không để cho khách vào ngắm cảnh thôi. Nhưng bởi vì gió rất khủng khiếp, bay hết tất cả mọi thứ, bay cả người", bà Ánh chia sẻ.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Ha Giang muon thao do, chu nha nghi Ma Pi Leng xin giu nguyen 7 tang hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/28/9dc3a49dfff619a840e7.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Công trình Mã Pì Lèng Panorama thời điểm đang thi công. Ảnh:<em> NVCC.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Theo Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, di tích quốc gia đặc biệt Mã Pì Lèng nằm trong vùng bảo vệ cảnh quan với diện tích hơn 796 ha.</p> <p>Tại các khu vực trên, đồ án quy hoạch khuyến cáo chỉ nên nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.</p> <h3><span>Vì sao điểm ngắm cảnh biến thành nhà nghỉ?</span></h3> <p>Bà Ánh cho biết nếu Nhà nước yêu cầu thì sẵn sàng tháo dỡ công trình. Nhưng trước đó, chủ nhà nghỉ này sẽ gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền. "Thay vì phải tháo dỡ, tôi sẽ phủ xanh toàn bộ, biến nó thành công trình hoang sơ", bà Ánh chia sẻ.</p> <p>Theo Đồ án quy hoạch, khu vực đèo Mã Pì Lèng bị hạn chế hoạt động xây dựng mới và chỉ được phép xây từ 1 đến 3 tầng. Trái với quy hoạch, công trình Mã Pì Lèng Panorama xây đến 7 tầng với các hạng mục phòng ngủ, ban công, quán cà phê...</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Ha Giang muon thao do, chu nha nghi Ma Pi Leng xin giu nguyen 7 tang hinh anh 3 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/02/mapileng_zing_1.jpeg.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Công trình Mã Pì Lèng Panorama đang tạo ra một cuộc tranh luận về tính thẩm mỹ cũng như sự hữu ích đối với việc phát triển du lịch. Ảnh: <em>Ngọc Tân.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Chủ đầu tư lấy lý do "chuyên gia UNESCO khuyến nghị xây công trình". Nhưng trên thực tế, đại diện UNESCO chỉ đề xuất xây một điểm dừng chân để du khách ngắm cảnh, hoàn toàn không nói đến việc xây một nhà nghỉ nhiều tầng.</p> <p>Sau một hồi truy vấn, bà Ánh giải thích việc xây phòng nghỉ là để tạo điều kiện cho du khách lưu trú vào lúc rạng sáng và ban đêm.</p> <blockquote> <p>Tôi đi Trung Quốc để học hỏi phát triển du lịch, thấy họ làm nhà bên núi, cầu bên núi rất nhiều, tôi cũng đang làm theo họ.<strongr></strongr></p> <p><strong>Bà Vũ Ngọc Ánh giải thích về ý tưởng xây công trình.</strong></p> </blockquote> <p>"Đó là khoảng thời gian để ngắm thiên nhiên đẹp nhất. Từng có những đoàn khách nước ngoài đến chụp hình ảnh lúc rạng sáng, nửa đêm rồi đăng lên mạng. Đó là niềm vui của tôi", nữ chủ nhân giải thích.</p> <p><strongr></strongr>Nói về việc công trình chưa có hồ sơ thiết kế an toàn, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bà Ánh lặp lại câu trả lời từng chia sẻ trước đây: "Cái đó chưa có thì hoàn thiện sau đâu có sao".</p> <p>Khi được hỏi về cảm xúc của mình nếu công trình bị buộc phải tháo dỡ, bà Ánh cho biết mình đã làm việc vất vả suốt 3 năm và đang rơi vào bế tắc.</p> <div> <p>Nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama được khởi công từ năm 2018 và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Công trình có kết cấu bê tông cốt thép, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.</p> <p>Hiện công trình đã hoàn thiện được 5 cấp. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.</p> <p>Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết chủ đầu tư chỉ cung cấp được một bộ bản vẽ thiết kế chưa qua thẩm định, không có giấy tờ nào khác. Đất xây công trình cũng là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi sang đất xây dựng, thổ cư.</p> </div> <br /> <coccocgrammar></coccocgrammar></div> <p> </p>