Trong Chỉ thị 18, TPHCM nêu quan điểm một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, một mặt cũng quan tâm “sức khỏe” kinh tế, trong đó có “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay doanh nghiệp còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 20%, đây là tình huống chưa từng có.
Doanh nghiệp duy trì dòng tiền cầm cự được 1 tháng chiếm trên 40%, từ 1 - 3 tháng chiếm 45%, chỉ 15% DN còn nguồn tài chính duy trì hoạt động trên 3 tháng.
Khi DN không hoạt động, người lao động không có việc làm dẫn tới thu nhập không còn.
Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay Chính phủ đã có kế hoạch và đang chi khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ.
Đây là nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… Tuy nhiên, con số hỗ trợ này vẫn chưa đủ nhu cầu thực tế.
ĐBQH Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: “Cần hỗ trợ doanh nghiệp duy trì dòng tiền tệ để hoạt động, giữ chân người lao động. Khi người dân, người lao động có tiền mới kích cầu sản xuất hàng tiêu dùng.”
Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, qua tìm hiểu nhiều nước dùng nợ công để chi hỗ trợ phát triển kinh tế.
Trong đó, đối với nhóm 5 nước phát triển ở châu Âu có nợ công tăng bình quân 20,6% để cứu nền kinh tế, nhóm 4 nước phát triển ngoài châu Âu có nợ công tăng 18,8%, và 5 nước ở châu Á tăng trưởng chung giảm 9%, nợ công tăng 12,8%.
Trong vòng 2 năm các nước này đã có gói tài chính giá trị để hỗ trợ nền kinh tế. Tại Việt Nam, 2 năm vừa qua nợ công tăng 0,5%.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị cần có Nghị quyết riêng sử dụng nợ công trong tình hình suy giảm kinh tế rất đặc biệt này.
Đồng thời gói hỗ trợ ít nhất 6,5% GDP, chủ yếu từ nguồn nợ công (khoảng 410.000 tỷ đồng) để chi hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động.