<div><span>Hiện nay, phần lớn các nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH đều hình thành một cách tự phát, theo nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học. Nguyên nhân sâu sa nhất chính là thiếu một cơ chế chính sách đào tạo và đầu tư có trọng tâm trong nghiên cứu khoa học ở cấp quốc gia.</span></div> <div> <p><span>GS. Tạ Thành Văn, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Trường ĐH Y Hà Nội hiện có khoảng 10 nhóm nghiên cứu. Phần lớn nhóm nghiên cứu ở trong trường đều hình thành một cách tự phát theo định hướng của các thầy cô trong nhóm. Các nhóm này chưa thực sự nằm trong quy hoạch tổng thể của trường vì không có kinh phí để thực thi chiến lược phát triển khoa học và công nghệ mà nhà trường đã đề ra.</span></p> <p>Như vậy, các nhóm nghiên cứu hình thành một cách tự phát dựa trên niềm đam mê của thầy cô trưởng các nhóm. Phần lớn các thầy cô này được trường cử đi đào tạo bài bản ở nước ngoài theo định hướng ưu tiên phát triển của nhà trường trong từng giai đoạn phát triển. Khi các thầy cô này trở về trường chỉ có thể tạo điều kiện môi trường làm việc tối đa cho các nhóm hoạt động. Đồng thời, sẵn sàng đầu tư trang thiết bị cho những nhóm hoạt động hiệu quả. Còn có kinh phí hay không, có bao nhiêu thì lại phụ thuộc vào năng lực của từng nhóm.</p> <p>Về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam, đầu tư về khoa học công nghệ của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước khác. Song, ở đâu đó và lúc nào đó chúng ta vẫn không dùng hết tiền dành cho khoa học và công nghệ, trong khi các nhà khoa học Việt Nam lại không thiếu ý tưởng nhưng lại “khát” kinh phí. Đó là một nghịch lý đang tồn tại ở nước ta. Mấu chốt là mỗi bộ ngành, mỗi cơ sở khoa học và công nghệ đều có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ rất hay, tầm cơ thế giới song lại thiếu tính thực tiễn và khả thi.</p> <p>Điều này giống như chúng ta có trong tay bản thiết kế lâu đài rất đẹp nhưng lại không có đủ kinh phí đầu tư và không đủ năng lực thi công. Điều này dẫn đến việc đầu tư dàn trải, chắp và, không trọng tâm, trọng điểm dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thêm vào đó, ở Việt Nam, chúng ta không coi trường đại học là cái nôi của khoa học và công nghệ và kết quả là nhiều viện nghiên cứu đã được thành lập trong quá khứ, không gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học nên càng đưa đến thất thoát và lãng phí.</p> <p>Vậy giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn, rào cản để các nhóm nghiên cứu phát huy khả năng? Cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đặc biệt ưu tiên các nhóm khoa học mạnh nằm trong ưu tiên phát triển của ngành và quốc gia; Phải coi trường ĐH là cái nôi của khoa học công nghệ. Nhà nước phải đầu tư để phát triển. Trường ĐH, nơi có đội ngũ giảng viên nghiên cứu rất mạnh nhưng chỉ dạy chay.</p> <p>Ngân sách nhà nước để đào tạo 1 tiến sĩ của Việt Nam mới chỉ bằng 1 sinh viên ĐH. Thế thì làm sao để thúc đẩy nền khoa học nước nhà. Một đề tài Nafosted là 1,5 tỷ và yêu cầu 2 bài báo khoa học, tương đương 600-700 triệu/bài báo khoa học. Nhưng trong đào tạo tiến sĩ, Bộ cũng quy định nghiên cứu sinh phải có hai bài báo khoa học mà kinh phí đào tạo chỉ bằng kinh phí đào tạo 1 sinh viên đại học. Đây là thực tiễn và là nghịch lý của Việt Nam.</p> <p>Có thể thấy chưa nước nào đào tạo tiến sĩ giống Việt Nam. Trong khi các nước, nghiên cứu sinh được cấp học bổng và kinh phí để làm luận án tiến sĩ còn ở Việt Nam thì nghiên cứu sinh phải tự bỏ tiền ra làm đề tài luận án.</p> <p>Chỉ dưới 10% số đề tài của nghiên cứu sinh được hỗ trợ bởi các đề tài khoa học (cấp nhà nước, cấp bộ hoặc từ đề tài hợp tác quốc tế). Chính vì vậy, chất lượng không được như mong muốn cũng là điều dễ hiểu. Việc đào tạo nghiên cứu sinh, các nhà khoa học tương lại của đất nước nếu được đầu tư bài bản, chắc chắn các trường ĐH Việt Nam và nền khoa học của đất nước sẽ khác hiện nay.</p> <div> <div> <p> </p> </div> </div> </div>