<div> <p>Chia sẻ với<em> Zing.vn </em>sáng 24/9, <span>GS Hồ Ngọc Đại</span> nói ông có biết kiến nghị của tập thể cán bộ Trung tâm Công nghệ Giáo dục do PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào ký, gửi Thủ tướng và Bộ trưởng GD&ĐT. Khi cán bộ của trung tâm trao đổi với mình, ông nói: "Việc của tôi xong rồi, bây giờ là việc của các bạn, của xã hội".</p> <p>Sau khi bộ sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục không được hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT thông qua, nhiều người đã lên tiếng. Kiến nghị của Trung tâm Công nghệ Giáo dục là thông tin chính thức của các cán bộ gửi lên lãnh đạo về sự nghiệp chung của giáo dục.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="GS Ho Ngoc Dai: 'Viec cua toi da xong, gio la cua xa hoi' hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/24/dsc04783_zing(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Sách của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh<em>: Q.Q. </em></td> </tr> </tbody> </table> <p>GS Hồ Ngọc Đại nói sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục là sản phẩm của công trình tập thể, do ông chủ biên (chủ yếu tập trung việc nghiên cứu, viết sách). Cuốn sách cần một người đứng tên để chịu trách nhiệm. Trung tâm Công nghệ Giáo dục nghiên cứu và đảm nhận việc đưa cuốn sách vào thực tiễn, theo dõi, tổ chức tập huấn và tổ chức hội thảo.</p> <p>“Viết sách giáo khoa quan trọng nhưng quan trọng hơn là cách đưa kiến thức đến với học sinh như thế nào. Các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Giáo dục thực hiện điều này”, GS Hồ Ngọc Đại nói.</p> <p>Theo “cha đẻ” của sách Công nghệ Giáo dục, mấy chục năm nay, sách đã trải qua nhiều thăng trầm, bị loại rồi lại phục hồi vì được thực tiễn cuộc sống chứng minh. Các cán bộ tại Trung tâm Công nghệ Giáo dục cũng đã “quen” với những biến động của cuốn sách.</p> <p>“Tôi thường nói với cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, sách bị loại tưởng là chuyện buồn nhưng hóa ra vui, là cơ hội vàng để dư luận biết rõ về cuốn sách, cũng như việc thẩm định sách giáo khoa. Dư luận rất tỉnh táo, những học trò, phụ huynh đều hiểu và cảm thông. Hiện, hơn 900.000 học sinh đang sử dụng sách Công nghệ Giáo dục cùng thời gian tồn tại 40 năm qua đã chứng minh tất cả”, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.</p> <p>Hiện tại, ông không có ý định viết lại sách, không sửa một dấu phảy, vì tất cả từ ngữ đều có mục đích, đã được nghiên cứu, viết cẩn thận.</p> <p>Trước đó, chiều 23/3, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục xác nhận đơn vị này đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.</p> <p>Theo nội dung văn bản trên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa mới phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cuốn sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, bị đánh giá “không đạt” ngay từ vòng đầu. Kết quả này làm nhiều giáo viên, phụ huynh ở 48 tỉnh thành thắc mắc, bức xúc và hoang mang. Hiện, cả nước có trên 900.000 học sinh lớp 1 học theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.</p> <p>Bản kiến nghị đưa ra dẫn chứng Công nghệ Giáo dục đã được định hình trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm lâu dài (trên 40 năm). Ý tưởng khoa học đến những quan điểm giáo dục có tính lý luận, triết lý của cuốn sách đã thành một phương án giáo dục mới ở tiểu học.</p> <p>Đến nay, những quan điểm đó đã được áp dụng khá rộng rãi như lấy học sinh là trung tâm, học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao.</p> <p>Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục tiếp tục được triển khai rộng rãi ở những địa phương có nhu cầu, 48 tỉnh, thành triển khai sách này. Trong 3 năm học gần nhất, 700.000-900.000 học sinh học sách trên. Hiện tại, Trung tâm Công nghệ Giáo dục đã biên soạn xong sách cho bậc tiểu học theo phương pháp Công nghệ Giáo dục.</p> </div> <p> </p>