GS Hà Văn Tấn ra đi - một huyền thoại rực rỡ của sử học Việt Nam khép lại

(khoahocdoisong.vn) - Sự ra đi của GS Hà Văn Tấn cùng "bộ tứ Lâm, Lê, Tấn, Vượng" đã khép lại một huyền thoại rực rỡ không dễ gì có được của sử học Việt Nam.

Đó là dòng cảm xúc của PGS.TS Tống Trung Tín (nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) viết về người thầy lớn vừa mới qua đời của mình - GS Hà Văn Tấn.

GS Hà Văn Tấn.

GS Hà Văn Tấn.

GS.NGND Hà Văn Tấn sinh ngày 16/8/1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du).

Ông từng là chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa lịch sử (1982 - 2009); Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Ông được phong hàm Giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (2000), cùng nhiều huân, huy chương khác.

GS Hà Văn Tấn cùng GS.NGND Trần Văn Giàu và phu nhân - Ảnh tư liệu.

GS Hà Văn Tấn cùng GS.NGND Trần Văn Giàu và phu nhân - Ảnh tư liệu.

Ông cùng với ba giáo sư khác là GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng là 4 nhà nghiên cứu xuất sắc được giới sử học và khoa học xã hội trong nước phong là "tứ trụ" của sử học Việt Nam.

Với sự thông tuệ ở nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, khảo cổ học, ngôn ngữ học, văn hóa học…, cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn được người trong giới phong là Lê Quý Đôn của thế kỷ XX.

Ông thông thạo tới 7 ngoại ngữ: Tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Sanskrit (tiếng Phạn cổ).

Giới sử học và khảo cổ học tôn vinh GS Hà Văn Tấn là Đại sư - người thầy lớn, vì thầy đều đạt đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu.

Ông để lại hàng trăm cuốn sách, công trình khoa học, trong đó, về sử học, cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (viết chung) được đánh giá là cuốn sách rất giá trị, hấp dẫn không chỉ bởi nhiều tư liệu nước ngoài quý hiếm, mà còn ở cách viết với nhiều phân tích sáng sủa, chặt chẽ, khẳng định trình độ uyên bác, khả năng thâm hậu của GS Hà Văn Tấn.

TS Tống Trung Tín đã viết về người thầy lớn của mình những dòng đầy xúc động: "Thầy đi, "bộ tứ Lâm, Lê, Tấn, Vượng" đã khép lại một huyền thoại rực rỡ không dễ gì có được của sử học Việt Nam, để lại một khoảng trống lớn không thể bù đắp. Nhưng ánh sáng từ những vì sao như các thầy vẫn sẽ tiếp tục được các lớp học trò thắp lên".

Theo Đời sống
back to top